Học sinh THPT trường Ngô Gia Tự, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Học sinh THPT trường Ngô Gia Tự, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Chỉ còn hai ngày nữa các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Bên cạnh việc các trường đại học đã công bố phương án, chỉ tiêu tuyển sinh với nhiều ngành mới mở và ngành "hot" được thí sinh quan tâm như: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật điện tử viễn thông, Bán dẫn,… thì hiện nay, nhiều thí sinh đã chuyển hướng, từ chối chọn ngành ‘hot’ vì nhiều lý do.

Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, hơn 300 trường cao đẳng và các trường trung cấp. Trong đó, số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp cũng tương tự vì vậy thí sinh có nhiều lựa chọn về trường học và ngành học. Tuy nhiên, cơ hội được mở rộng, sự thuận lợi càng tăng thì thí sinh lại gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn nghề nghiệp.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý vẫn giữ vững ngôi vị đầu bảng khi chiếm tỷ lệ thí sinh nhập học nhiều nhất với 23,57% trong năm 2023. Ngành quản trị kinh doanh là ngành học luôn xếp vào top các ngành ‘hot’ được thí sinh đặc biệt ưu ái, đăng ký lựa chọn trong các kỳ tuyển sinh đại học.

Nhiều thí sinh đã chuyển hướng, chọn ngành học theo sở thích thay vì chọn ngành theo xu hướng. (Ảnh minh họa)
Nhiều thí sinh đã chuyển hướng, chọn ngành học theo sở thích thay vì chọn ngành theo xu hướng. (Ảnh minh họa)

Em Đặng Minh Ngọc - học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Hoà (Hà Nội) chia sẻ: Việc lựa chọn ngành nghề phù hợp để học tập suốt 4 năm trên giảng đường đại học và theo đuổi cả một quãng đường dài sau tốt nghiệp là vô cùng quan trọng. “Ngoài lựa chọn theo sở thích em còn quan tâm đến cơ hội việc làm, khả năng đỗ vào trường, học phí cùng những học bổng, ưu đãi học tập…”, Ngọc chia sẻ.

Cũng theo Minh Ngọc thì, thị trường lao động luôn biến đổi không ngừng, những ngành có thể ‘hot’ ở hiện tại nhưng 4-5 năm sau tốt nghiệp hoàn toàn có thể không còn là ngành ‘hot’.

Cùng quan điểm, Nguyễn Thanh Tuấn - học sinh lớp 12 Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) cho rằng: Việc các bạn đua nhau chọn ngành học ‘hot’ nó không thật sự là hay, là tốt vì mình phải học những ngành mình thích. Những ngành ‘hót’ nhiều khi các bạn chọn rồi không đúng với sở trường của mình thì về sau khi các bạn học xong rồi, các bạn vào trường sẽ ảnh hưởng tới kết quả của các bạn rất nhiều. “Ngành học ‘hot’, nhưng bản thân mình có ‘hot’, có học tốt hay không mới là điều quan trọng”, Thanh Tuấn nói.

Còn em Hoàng Phương Anh - học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay: Khi mà chưa hiểu hết được bản chất của công việc cũng như chưa tìm hiểu rõ được thu nhập của công việc nó sẽ như thế nào, các bạn đổ xô đi chọn thì sau này sẽ trở thành quyết định sai lầm.

Những ngành có thể ‘hot’ ở hiện tại nhưng 4-5 năm sau tốt nghiệp hoàn toàn có thể không còn là ngành ‘hot’. (Ảnh minh họa)
Những ngành có thể ‘hot’ ở hiện tại nhưng 4-5 năm sau tốt nghiệp hoàn toàn có thể không còn là ngành ‘hot’. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về vấn đề nêu trên, TS Phan Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Thương mại bày tỏ: Ngành “hot” chỉ là xu hướng mang tính thời điểm và sẽ có sự thay đổi trong khoảng 5 - 10 năm. Nếu học ngành mình thích, các em sẽ học với tâm thế đam mê nên kết quả học tập sẽ tốt.

TS Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh: Khi chọn ngành, thí sinh nên cân nhắc nhiều yếu tố như năng lực, sở thích, đam mê, nhu cầu xã hội và cả vấn đề tài chính khi một số trường có mức học phí rất cao. Nếu các em khi chọn ngành chỉ chăm chăm vào những ngành "hot", không tính đến khả năng của bản thân, thị trường lao động trong tương lai, hay nhiều em khi lựa chọn rồi nhưng lại không đủ sức theo đuổi ngành đó, đến khi ra trường rất dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Cũng như các trường THPT khác, mới đây tại trường 3 trường THPT TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhà trường đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng mùa thi và định hướng nghề nghiệp năm 2024” cho các em học sinh khối 12. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cũng kết hợp trong giờ sinh hoạt lớp để tìm hiểu nguyện vọng, mong muốn xác định thế mạnh, giúp các em có thể chọn cho mình bài thi tổ hợp phù hợp và chọn ngành học đúng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai.

Các em học sinh khối 12 trường THPT Từ Sơn, Bắc Ninh
Các em học sinh khối 12 trường THPT Từ Sơn, Bắc Ninh.

Cô Nguyễn Thị Bích Nga chia sẻ: Các em học ngành nào cũng được, ‘hot’ cũng được và theo đuổi đam mê cũng được miễn sao trong quá trình học tập, các em phải cố gắng đạt được thành tích, phải có năng lực… vì xã hội lúc nào cũng cần người lao động. Tức là lao động trình độ cao, lao động đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, lao động đòi hỏi lĩnh vực tinh tế (văn phòng) ngành nào người ta cũng cần nhưng người ta cần lao động có chuyên môn nghiệp vụ cần cù, lao động siêng năng. sáng tạo…

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý: Thí sinh khi chọn ngành, chọn trường, đừng chỉ nghe loáng thoáng rồi “chọn cho có”. Thay vào đó, cần tìm hiểu yêu cầu của ngành học đó như thế nào, năng lực và sở trường của bản thân có phù hợp với ngành đó hay không. “Các em học sinh cần “định vị” được năng lực thực tế học tập của mình, ham muốn cũng như thích làm gì sau này để lựa chọn chứ đừng dựa vào “sở thích” của bố mẹ”, ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Vinh chỉ ra một thực tế, học sinh chạy đua chọn ngành nghề theo ngành hot thì là xu thế không cản được. Tuy nhiên, các em cần tìm hiểu xem ngành đó có hot thật không. Vì thực tế, nhiều trường đổi tên ngành học để bắt kịp thời cuộc nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ” mà nội dung giảng dạy không thay đổi nhiều.

Chỉ còn 2 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ chính thức diễn ra với hơn 1 triệu thí sinh trên toàn quốc. Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT của lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Sang năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ có đổi mới trong công tác tổ chức thi để phù hợp với yêu cầu, định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Do đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 khép lại chương trình học cũ, nhưng cũng là tiền đề để chuẩn bị tốt cho kỳ thi năm sau.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024.

Cụ thể, ngày 26/6, thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi. Ngày 27 và 28/6, các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Ngày 29/6 sẽ là ngày thi dự phòng.

Minh An