THCL Tiếng búa nện nhịp nhàng, đâu đó là tiếng xì xèo của những thanh sắt nóng đỏ khi ngâm vào nước lạnh. Ở Pác Rằng, những âm thanh ấy như hơi thở của cuộc sống. Ở đây, những người đồng bào dân tộc Nùng An vẫn ngày ngày giữ “hồn” cho nghề rèn truyền thống và cũng là kế mưu sinh của những con người chân chất, ngày đêm giữ nét đẹp truyền thống bên dưới những mái nhà sàn cổ…

“Đỏ lửa” đêm ngày

Đáp chuyến xe từ thành phố Cao Bằng men theo QL3 chừng 35km,  vượt những ngọn đèo, khúc cua, đổ dốc, chúng tôi đến Pác Rằng vào một ngày cuối thu nắng nhẹ, tản bộ theo con đường nhỏ vào bản, nơi cư trú của hơn 50 hộ dân người dân tộc thiểu số Nùng An. Đâu đó, chúng tôi nghe thấy những tiếng búa nện nhịp nhàng, tiếng phù phù của bễ, hơi nóng tỏa ra từ những bếp lò cổ được đắp bằng đất. Cái nóng không làm chúng tôi chùn bước, mà còn thôi thúc chúng tôi tản bộ quanh những nếp nhà sàn cổ. Nơi thời gian như chùng lại, hơi thở cuộc sống chỉ đơn giản là những nụ cười hăng say bên cái nóng ngột ngạt tỏa ra từ những bếp lò.

Trên trán còn lấm tấm mồ hôi, vừa nện búa vừa tiếp chuyện chúng tôi, anh Hải người dân tộc Nùng An cởi mở về nghề rèn truyền thống mà theo anh có lẽ chẳng bao giờ có thể làm mất đi vốn quý của cha ông để lại, anh chia sẻ: “Nghề này được truyền từ ông, rồi đến cha và giờ đến anh. Sau này anh cũng sẽ truyền nghề cho con, chứ không làm nghề khác đâu. Bên cạnh làm nghề rèn thì vẫn có làm ruộng nhưng chủ yếu những lúc nông nhàn là ở nhà làm rèn dao, rèn rìu…”

Bản Pác Rằng (Quảng Uyên, Cao Bằng): Nơi giữ “hồn” những lò rèn cổ - Hình 1

Chú thích ảnh: Anh Hải đang "hăng say" làm việc

Những con dao sắc lẹm được làm từ những đôi bàn tay trần và vài dụng cụ thô sơ. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về “tài hoa” của những con người ấy. Đã từng được chứng kiến những lò rèn có máy móc hiện đại, con người dường như không mất sức là bao. Nhưng tại nơi đây, những người đàn ông trai tráng vẫn cặm cụm nện từng nhát búa chỉ để nắn những cục sắt nguyên sơ thành con dao, cái rìu, lưỡi hái…  Công việc cực nhọc là thế, nhưng sản phẩm bán ra chỉ được vài chục nghìn một con dao, nếu mua nhiều còn rẻ hơn gần nửa. Anh Hải cho biết thêm: “Bán con dao chặt củi này có 80 nghìn thôi, mua nhiều còn rẻ hơn nữa”.

Hỏi anh về thời gian làm ra một sản phẩm hoàn thiện, anh cười hiền nói: “Nhanh thì vài tiếng, lâu thì nửa ngày, một con dao hoàn thiện phải tra qua nhiều khâu, mất sức lắm nhưng nghề của cha ông, không bỏ được đâu.”.Rồi anh say sưa chỉ cho chúng tôi những bí quyết của nghề rèn, từ chọn loại thép tốt nhất là những thanh nhíp ô tô cũ, nung lửa vừa độ đến gõ búa đều tay để dàn mỏng lưỡi dao mỏng đều, dàn - tôi - nhúng nước - dàn liên tục trong 90 phút để có được con dao bóng đen, đẹp, sắc, dùng được ít nhất 15 năm. “Đàn ông người Nùng An không biết rèn thì bị chê là bất tài.” Anh thổ lộ.

 “Đánh thức” Pác Rằng

Không chỉ là nơi lưu giữ được những nét đẹp từ nghề rèn truyền thống, nơi đây còn lưu giữ được gần như nguyên sơ những mái nhà cổ của người Nùng An. Những ngôi nhà tường đá, vách được chát đất trộn với rơm, mái được lợp bằng ngói âm dương. Những ngôi nhà hiện nay vẫn giữ được kiểu kiến trúc nhà sàn gỗ truyền thống kết cấu 2 tầng. Tầng một là chuồng trại gia súc, công trình vệ sinh, phía bên là lò rèn. Tầng 2 là không gian sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình, gồm: các phòng ngủ, gian tiếp khách và bếp. được bố trí khoa học và hợp vệ sinh. Tầng lửng được dùng làm kho chứa nông sản.

Bản Pác Rằng (Quảng Uyên, Cao Bằng): Nơi giữ “hồn” những lò rèn cổ - Hình 2

Chú thích ảnh: Trang phục truyền thống phụ nữ Nùng An

Tuy nhiên, anh Hải cho biết thêm: “Hiện nay khách du lịch đến với Pác Rằng tương đối ít, khách nước ngoài còn ít hơn.” Người dân nơi đây vẫn chưa thật sự cảm nhận được “hơi thở” của những bản làng phát triển du lịch cộng đồng, những ước mơ về những vị khách du lịch xởi lởi, để bà con nơi đây có thể vui vẻ kể về cuộc sống, về những nếp nhà, những bếp lò cổ còn xa vời quá…

Quang Nam