Phóng viên:Thưa đồng chí! Báo chí có vai trò truyền thông như thế nào trong công cuộc bảo đảm an ninh, an toàn biên giới quốc gia?

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh: Trong hơn 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (04/4/961), dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Định; sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp uỷ, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ, giúp đỡ, chở che của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là sự đồng hành, phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Quân đội, BĐBP tỉnh Bình Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó có sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Với các hình thức đa dạng, phong phú, dưới ngòi bút chân chính, thông qua những bài viết sắc bén có tính thời sự, khách quan, xây dựng và đầy tính nhân văn, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền sinh động công tác bảo đảm an ninh, an toàn biên giới quốc gia đầy cam go, gian khổ, trong đó có trận tuyến đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng, chống khai thác IUU; phản ánh đầy đủ, kịp thời về tình hình quốc tế, khu vực, trong nước và mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, trật tự trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Bình Định.

Nhờ đó, nhận thức, ý thức chính trị, tinh thần thượng tôn pháp luật của các cấp, các ngành, các lực lượng, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt, tạo đồng thuận cao trong xã hội và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng Bộ đội biên phòng.

Phóng viên:Thưa đồng chí! Báo chí đã đồng hành với BĐBP tỉnh Bình Định như thế nào? BĐBP Bình Định có kế hoạch gì để gắn kết với báo chí trong tương lai? Những mặt tích cực và hạn chế của báo chí hiện nay?

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh: Báo chí đã đồng hành với BĐBP tỉnh Bình Định:

Luôn đồng hành với lực lượng BĐBP nói chung, BĐBP tỉnh Bình Định nói riêng, các nhà báo cùng đông đảo đội ngũ cộng tác viên trung thành, nhiệt huyết với sự nghiệp cách mạng đã kịp thời phản ánh những khó khăn, gian khổ, vất vả, cống hiến thầm lặng, hy sinh anh dũng của lực lượng BĐBP tỉnh; tuyên truyền, biểu dương, lan tỏa sâu rộng những tấm gương vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, góp phần tô thắm thêm truyền thống Anh hùng của lực lượng BĐBP, hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Biên phòng nơi biên cương Tổ quốc.

Cũng từ kênh thông tin quan trọng này, lực lượng BĐBP tỉnh đã tiếp nhận được nhiều thông tin có giá trị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển của tỉnh; chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp, biện pháp xử lý từ sớm, từ xa những mâu thuẫn xã hội trong nhân dân, không làm nảy sinh những vấn đề phức tạp mới, trở thành “điểm nóng” về ANTT; điều tra, khám phá nhiều vụ án, đánh trúng và làm tan rã nhiều băng, ổ nhóm tội phạm.

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh: BĐBP Bình Định và kế hoạch gắn kết với báo chí trong tương lai:

Trong thời gian tới BĐBP tỉnh luôn trân trọng và tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó tốt đẹp, sự giúp đỡ quý báu của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong thời gian qua. Mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh cần nhận thức sâu sắc rằng, hoạt động báo chí là hoạt động đặc thù, có tính chuyên môn cao vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, được Hiến pháp, pháp luật quy định và bảo vệ. Những đóng góp mà hoạt động báo chí đem lại sẽ có tác động tích cực đến kết quả cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Do đó, cần phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong quá trình tác nghiệp.

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh: Những mặt tích cực và hạn chế của báo chí hiện nay:

Tích cực: Với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng, báo chí có những tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự,… Bằng ngòi bút, báo chí luôn đi đầu trên mặt trận tư tưởng bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, phủ nhận, vạch trần bản chất sai trái, chống phá, lên án mạnh mẽ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các thế lực thù địch, phản động và các đối tượng lợi dụng dân chủ, nhất là các quan điểm cổ súy, thúc đẩy xây dựng “xã hội dân sự”, “tam quyền phân lập” theo kiểu phương Tây, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi phi chính trị hóa quân đội.

Hạn chế:  Một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm. Tính thuyết phục, xây dựng, phản biện, sức chiến đấu của một số chương trình, tin bài chính luận chưa cao, còn khô cứng, thiếu tính sáng tạo, phong phú, hấp dẫn...

Phóng viên:Thưa đồng chí! Đồng chí có thể chia sẻ một vài trường hợp cụ thể mà BĐBP tỉnh Bình Định nhận được sự đồng hành từ báo chí? Đồng chí có đề xuất giải pháp gì để báo chí hỗ trợ tốt hơn cho BĐBP tỉnh Bình Định?

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh: Trường hợp cụ thể mà BĐBP tỉnh Bình Định nhận được sự đồng hành từ báo chí:

Là diễn đàn rất hiệu quả của nhân dân trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và việc thực thi pháp luật, báo chí đã cùng BĐBP tỉnh Bình Định tham gia vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và các phong trào thi đua yêu nước khác ngay tại các xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, trường học ở khu vực biên giới biển; tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu; kịp thời phát hiện, cung cấp tài liệu phản ánh những hành vi sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ trong khi thi hành công vụ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng BĐBP tỉnh vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh: Đề xuất giải pháp để báo chí hỗ trợ tốt hơn cho BĐBP tỉnh Bình Định:

Đối với lực lượng báo chí Trung ương và địa phương, BĐBP tỉnh mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong thăm dò, định hướng dư luận xã hội và bảo vệ ANTT. Báo chí tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng BĐBP tỉnh và các lực lượng chức năng nhận diện, đấu tranh làm thất bại âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình”, phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; vạch trần âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các thế lực thù địch và các loại tội phạm; xung kích, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII. Bên cạnh đó, lực lượng báo chí cần quan tâm tuyên truyền về kết quả, thành tích trong bảo đảm ANTT; đẩy mạnh các hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện những sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ và có hình thức trao đổi, phản ánh phù hợp, trên tinh thần xây dựng để giúp lãnh đạo, chỉ huy BĐBP tỉnh có hình thức chấn chỉnh, xử lý nghiêm…

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh: Nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925), toàn thể cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Bình Định xin bày tỏ sự trân trọng biết ơn, ghi nhận vai trò và những cống hiến, đóng góp to lớn của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển tỉnh Bình Định nói chung, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP tỉnh nói riêng; mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo, cùng đội ngũ cộng tác viên chân chính trong và ngoài lực lượng BĐBP trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh!

Hoàng Bách – Lê Thanh