Có được kết quả này là do các địa phương đã khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các loại hình du lịch, cùng với đó là sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí vào quá trình phát triển chung của ngành “công nghiệp không khói”.

Du lịch biển phát triển vượt bậc

Việt Nam là một quốc gia ven biển, với hơn 3.200 km bờ biển, hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ và có khoảng 125 bãi biển, vịnh biển, 28 tỉnh thành phố có địa lý giáp biển, 12 huyện đảo, 6 khu dự trữ sinh quyển nằm ở dải ven biển, hệ thống 16 vườn quốc gia, 26 khu dự trữ thiên nhiên và 3 khu bảo tồn loài toàn quốc chạy dọc theo đất nước.

Bên cạnh điều kiện thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa và nét văn hóa đặc trưng của vùng miền cũng là yếu tố thu hút khách du lịch. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch thăm quan thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái, thể thao và mạo hiểm…

Thời gian qua, ngành du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mức độ đóng góp của du lịch vào GDP tăng hàng năm. Trong 5 tháng đầu năm 2024, du lịch chiếm khoảng 12% GDP của Việt Nam.

Trong đó, các tỉnh, thành phố ven biển đã và đang khai thác hiệu quả những nguồn tài nguyên và lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử và các giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc và đa dạng để phục vụ các hoạt động phát triển du lịch biển biển.

Các sản phẩm du lịch của những địa phương ven biển tương đối đa dạng, mang tính đặc thù, như du lịch tham quan kết hợp du lịch sinh thái ở khu vực ven biển phía Bắc; du lịch sinh thái, du lịch tham quan kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và thể thao biển ở khu vực ven biển phía Nam… Qua đó, du lịch biển đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, mang lại nguồn thu lớn cho các địa phương.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Bình Thuận ước đón trên 3,7 triệu lượt khách du lịch
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Bình Thuận ước đón trên 3,7 triệu lượt khách du lịch (Ảnh: KT)

Theo Sở Du lịch Bình Thuận, tính riêng trong tháng 5 năm 2024, lượng khách du lịch đến Bình Thuận ước đạt trên 764 nghìn lượt, trong đó có trên 34.000 lượt khách quốc tế, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, các nước Bắc Âu..., doanh thu từ hoạt động du lịch cả tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Bình Thuận ước đón trên 3,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt xấp xỉ 199 ngàn lượt, doanh thu từ hoạt động của ngành đạt trên 9.400 tỷ đồng. Trong mùa cao điểm du lịch hè, Bình Thuận đang hướng tới là điểm đến “an toàn – thân thiện – chất lượng” với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng.

Tại tỉnh Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, ước đón trên 5,4 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế khoảng 508.000 lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 13.394 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoài, đạt 67% kế hoạch năm 2024.

Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, du lịch của tỉnh đang phát triển tốt. Các nhiệm vụ, chỉ tiêu du lịch cơ bản đạt yêu cầu, lượt khách quốc tế và doanh thu du lịch tăng cao so với cùng kỳ và đạt kế hoạch năm. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã tổ chức nhiều tour, tuyến, chương trình, sự kiện góp phần tạo ấn tượng đối với du khách, lượng khách đến tỉnh tăng…

"Thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch phục hồi, thu hút du khách nội địa đến Kiên Giang. Bên cạnh đó cũng tăng cường xúc tiến, quảng bá điểm đến Kiên Giang với du khách trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ", ông Thái cho biết.

Tại tỉnh Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, ước đón trên 5,4 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng
Tại tỉnh Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, ước đón trên 5,4 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (Ảnh: KT)

Tương tự, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết, trong tháng 5/2024, tổng lượng khách du lịch đến Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 1,2 triệu lượt, tăng 15,78% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch gần 436.000 lượt, tăng gần 30%. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến tham quan, vui chơi giải trí, tắm biển và nghỉ dưỡng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt khoảng 6,6 triệu lượt, tăng 14%, tổng doanh thu từ du lịch đạt 7.047 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ…

Nhằm kích cầu du lịch trong dịp hè, tỉnh đang lên kế hoạch tổ chức chương trình “Dấu ấn hè 2024” với hàng loạt hoạt động như chạy bộ, thả diều, ca nhạc và các hoạt động liên quan đến biển đảo. Chương trình dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tại khu vực Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Cùng với đó, nhiều địa phương cũng lên kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao gần khu vực có biển nhằm tạo sản phẩm du lịch đa dạng, phục vụ du khách.

Vai trò của báo chí truyền thông là hết sức quan trọng

Để có được những thành quả trên, ngoài việc các địa phương đã khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh du lịch trên địa bàn mình quản lý, còn có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí khi đã phối hợp, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng thế mạnh, vẻ đẹp thiên nhiên, văn hoá, con người Việt Nam, những vùng đất đẹp, những bãi biển xanh, cát trắng, nắng vàng qua những ấn phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, là điểm đến “an toàn, thân thiện, mến khách.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã khẳng định, báo chí truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra những thông điệp đúng đắn, có tác động lớn đến việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh (Ảnh: KT)

Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 2 năm đồng hành cùng du lịch trước tác động của dịch COVID-19, các cơ quan báo chí luôn dành sự quan tâm trong việc truyền thông để thúc đẩy du lịch phát triển, phù hợp với từng diễn biến dịch, đưa du lịch sớm phục hồi.

Thời điểm đó, phải khẳng định, báo chí có vai trò quan trọng trọng việc tuyên truyền về những điểm đến, lễ hội, sự kiện... để thu hút khách du lịch quay trở lại Việt Nam và báo chí đã thực sự trở thành công cụ hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia mở cửa du lịch nội địa với tốc độ phục hồi rất tốt. Dấu mốc này là lợi thế cạnh tranh của chúng ta khi mở cửa các đường bay quốc tế, càng khẳng định thêm vai trò không nhỏ của báo chí đóng góp vào sự phục hồi và phát triển bền vững của du lịch.

Đối với doanh nghiệp, báo chí là cầu nối chia sẻ những vướng mắc, khó khăn sau khi mở cửa lại hoat động du lịch. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, báo chí có tác động rất lớn đối với việc đề xuất các chính sách kịp thời để phục hồi và phát triển du lịch.

Đối với người dân, với khách du lịch trong nước và quốc tế, báo chí giúp truyền tải thông tin, quảng bá về điểm đến, tạo động lực cho khách du lịch trở lại. Mặt khác, báo chí có vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin cho du khách về điểm đến, dịch vụ, giúp người dân tránh được thông tin sai lệch, tour du lịch kém chất lượng và thậm chí là các hình thức lừa đảo.

Qua đó có thể thấy, báo chí truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra những thông điệp đúng đắn, có tác động lớn đến việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam nhằm sớm, đưa du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hoàng Bách