Tại Hội thảo khoa học “Báo chí với thời cuộc trong bối cảnh chuyển đổi số" mới được tổ chức gần đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho thấy, quan điểm thống nhất về yêu cầu cấp thiết đối với báo chí trong việc thực hiện những chuyển biến căn bản từ sáng tạo nội dung, mô hình tòa soạn, phát triển nguồn nhân lực đến tầm nhìn, tính chiến lược, tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý, nhằm giữ vai trò nòng cốt và tiên phong của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay.
Quang cảnh hội thảo
Theo PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, tận dụng cơ hội từ bối cảnh chuyển đổi số, các doanh nghiệp số và ngành công nghiệp nội dung ở Việt Nam đã và đang khởi đầu xây dựng và có nhiều dấu hiệu phát triển tích cực. Báo chí đồng thời có sứ mệnh tham gia mọi tiến trình truyền thông về chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu thay đổi đồng bộ nhận thức - thái độ - hành vi của các nhóm công chúng mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội thông tin và Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay, báo chí vừa có cơ hội lớn cho sự chuyển đổi và phát triển, đồng thời đứng trước những thách thức chưa từng có trong lịch sử để thực hiện được sứ mệnh của mình.
Sự tích hợp và giao thoa giữa các thành tựu công nghệ số như internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big-data)… đang tạo ra một thời đại thông tin tăng tốc, một xã hội thông tin, trong đó thông tin sẽ trở thành yếu tố trung tâm quyết định sự biến đổi cả về phương thức sản xuất dẫn đến yêu cầu mới về lực lượng sản xuất trên toàn xã hội.
Theo PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, chuyển đổi số không đơn giản là quá trình số hóa mà hơn thế nữa là xây dựng mô hình hoạt động số, chẳng hạn như mô hình hội tụ cho cả một thiết chế truyền thông của quốc gia, bộ, ngành, địa phương, hay một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và quan trọng hơn là thực hiện chuyển đổi, trong đó diễn ra quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… nhằm vận hành, thực thi mô hình hoạt động số ấy.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh việc cần thiết phải hướng tới các mô hình đổi mới, trong đó tập trung vào xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và đa phương tiện tại các cơ quan báo chí như ở Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện của Báo Quân đội nhân dân… để hoạt động hiệu quả trước tác động của chuyển đổi số.
Ngoài ra, để mô hình hội tụ hoạt động có hiệu quả, cần thiết phải có đổi mới sáng tạo trong tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí - truyền thông, đặc biệt là cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số ngành báo chí - truyền thông hiện nay.
Nhấn mạnh nhân tố con người trong chuyển đổi số đối với báo chí, GS, TS Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, quan trọng nhất là đào tạo, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí và phóng viên có tầm nhìn, năng lực và sáng tạo để nắm bắt kịp thời chuyển đổi số, qua đó tận dụng quá trình này cùng các công nghệ của thời đại số để thông tin kịp thời, nhanh nhạy, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Ngoài ra, các đại biểu tại hội thảo cũng đề xuất phát triển và hoàn thiện quy hoạch hệ thống các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu thời cuộc trong bối cảnh chuyển đổi số, cùng các giải pháp nâng cao quản trị và đổi mới nội dung, giúp hoàn thiện mô hình tòa soạn hội tụ.
Yên Châu