Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Bảo đảm an toàn nợ công đi đôi với sử dụng hiệu quả vốn vay

Nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao sau khi kiểm soát dịch bệnh đòi hỏi quy mô đầu tư tăng lên giúp hồi phục lại đà tăng trưởng. Tăng vay nợ tạo vốn đầu tư đủ lớn là một giải pháp cần tính đến giúp tăng sức tác động lan tỏa tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần tính toán liều lượng hết sức cẩn trọng, bảo đảm an toàn nợ công, đi đôi với sử dụng hiệu quả vốn vay.

Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia khi bàn về các giải pháp huy động nguồn lực để khôi phục và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Nhiều điều kiện thuận lợi để có thể tăng nợ công

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định: Đại dịch Covid-19 trên thế giới chưa xác định được thời gian kết thúc do tính chất bất định và rủi ro rất cao khiến hầu hết “đầu tàu” kinh tế thế giới đều gặp khó khăn. Để ứng phó với khó khăn gây suy giảm tăng trưởng, hầu hết các quốc gia đều áp dụng các gói cứu trợ để tạo sức kháng cự, tạo “kháng thể” lâu dài cho nền kinh tế. Hoa Kỳ đưa ra gói hỗ trợ 5.000 tỷ USD (khoảng 24% GDP) và thông qua đạo luật tiếp tục nâng trần nợ công để tránh tình trạng Chính phủ đóng cửa. Trung Quốc sử dụng gói hỗ trợ 4,7% GDP và tăng trưởng dương trong năm 2021 cao hơn nhiều năm 2020…

Ở Việt Nam, trong năm 2021 với bùng phát đợt dịch lần thứ 4, gói hỗ trợ thêm 140.000 tỷ đồng, cộng thêm các chương trình hỗ trợ khác thì mới đạt mức khoảng hơn 2% GDP, vẫn còn thấp hơn so với các nước. Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng đánh giá: Chính phủ Việt Nam có chiến lược đúng đắn là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm sâu, Chính phủ đang có bước đi đúng hướng ngay khi dịch bước đầu được kiểm soát, đã giảm thiểu giãn cách xã hội, khôi phục lại chuỗi sản xuất, cung ứng, thị trường… tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, thích ứng với tình hình mới phục hồi nền kinh tế.

Sau khi kiểm soát dịch, có vốn đầu tư đủ lớn sẽ tạo khả năng thu hút các nguồn lực khác, từ đó tạo động lực lan tỏa. Đây là cũng là cách thức phù hợp để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình do tăng trưởng không đạt ngưỡng cần thiết.

Vị chuyên gia này tính toán, nếu hỗ trợ như nhiều nền kinh tế đang áp dụng, nghĩa là ít nhất khoảng 3,5% GDP, thì quy mô gói hỗ trợ cần tăng thêm khoảng 200.000 tỷ đồng. Đây là “gói kinh tế” cần thực hiện để duy trì sự ổn định cần thiết trong trạng thái bình thường mới.

“Việt Nam, với nguồn lực có hạn, để phát triển kinh tế dài hạn cần có nhiều nguồn lực, trong đó có tăng khoản vay công để phát huy vai trò dẫn dắt của chi tiêu công”, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng phân tích.

Nhìn vào các điều kiện vĩ mô, Việt Nam có tỉ lệ nợ công/GDP vẫn trong giới hạn an toàn, xuất - nhập khẩu khẩu tăng mạnh và có khả năng đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2021, cán cân thương mại thặng dư, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên, tỉ giá ổn định, lạm phát kiểm soát, lãi suất trái phiếu thấp và nhìn chung, kinh tế vĩ mô ổn định. Bên cạnh đó, các biện pháp điều hành của Chính phủ có hiệu quả và hiệu năng kịp thời. Xếp hạng tín dụng khá tốt cho phép Việt Nam tăng khoản vay công cả trong nước và quốc tế tương đối thuận lợi. Đây là những cơ sở để Việt Nam cân nhắc nới khoản vay công kịp thời để tạo thêm nguồn lực kích thích kinh tế.

"Nhìn ra thế giới, mặc dù gặp phải tình trạng nợ công lớn hơn quy mô GDP hằng năm nhưng Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn tiếp tục vay nợ để phục vụ nhu cầu chi tiêu và đầu tư. Quan trọng là khả năng trả nợ cũng như triển vọng phát triển lâu dài của nền kinh tế sẽ quyết định đến khả năng trả nợ. Thực tiễn kinh tế chỉ ra, khi số nhân chi tiêu (hệ số cho biết sự thay đổi của sản lượng khi tổng cầu thay đổi 1 đơn vị) tăng cao sẽ xuất hiện khả năng tăng trưởng cao GDP trong giai đoạn tiếp theo", chuyên gia Nguyễn Thường Lạng lưu ý.

Đồng quan điểm, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, “hiện nay, dư địa chính sách tiền tệ của chúng ta không còn nhiều, tuy nhiên dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn, nếu không nói là còn khá lớn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi”.

TS. Trương Văn Phước: Trong bối cảnh đại dịch khi mà những thứ phi truyền thống xảy ra thì chúng ta phải áp dụng tư duy phi truyền thống, chính sách phi truyền thống để đối lại nghịch cảnh” - Ảnh: VGP/Thu Giang
TS. Trương Văn Phước: Trong bối cảnh đại dịch khi mà những thứ phi truyền thống xảy ra thì chúng ta phải áp dụng tư duy phi truyền thống, chính sách phi truyền thống để đối lại nghịch cảnh” - Ảnh: VGP/Thu Giang

 TS. Trương Văn Phước cho biết thêm, các nước trên thế giới có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế chiếm 3-6%, thậm chí 10% GDP, Việt Nam hiện nay mới khoảng 2% GDP. Nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan… cũng phải tăng trần nợ công lên đến 70%. “Họ còn áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ như hạ lãi suất, mua trái phiếu để bơm tiền ra, nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn tín dụng thông qua việc hạ thấp trong một thời gian hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR - là một chỉ số kinh tế quan trọng bởi nó phản ánh được mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản rủi ro có điều chỉnh của ngân hàng thương mại)”.

Tại Việt Nam, trần nợ công quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế chúng ta chỉ mới đạt khoảng 44-45% GDP (theo cách tính mới), như vậy là hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn phục vụ cho quá trình vừa chống dịch vừa hỗ trợ cho DN và người dân, TS. Trương Văn Phước nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, nếu theo cách tính GDP mới năm 2021, nợ công chỉ chiếm khoảng 47% GDP cho nên dư địa vẫn còn. Do đó, theo ông, ngưỡng nợ công chưa phải là vấn đề cấp bách. Mà quan trọng là sắp tới cần có chương trình hỗ trợ đủ lớn để giúp DN, người dân phục hồi kinh tế từ đó vực dậy tăng trưởng. Kinh nghiệm thế giới về vấn đề này cho thấy không nên cứng nhắc, cố định bao nhiêu phần trăm, ông lấy ví dụ, ngày 12/10 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tạm thời nâng mức trần nợ công liên bang, cho phép nâng giới hạn nợ công thêm 480 tỷ USD, từ mức 28.400 tỷ USD hiện tại lên mức gần 28.900 tỷ USD. Khoản tăng thêm 480 tỷ USD này dự kiến sẽ hết vào ngày 3/12 năm nay, cùng ngày mà ngân sách cho hầu hết các chương trình liên bang cũng hết hạn.

Lộ trình vay phù hợp với khả năng hấp thụ và trả nợ

Góp ý thêm về vấn đề tăng nợ công, theo TS. Trương Văn Phước, chúng ta cần áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt. Trước hết là tăng bội chi ngân sách Nhà nước từ mức 3,7% GDP hiện nay lên khoảng 5,2-5,4% GDP. Và do đó, có thể nới nợ công lên khoảng 50-52% GDP. Việc nới nợ công này có thể kéo dài khoảng 3 năm để xem xét những diễn biến tiếp theo của đại dịch Covid-19 cũng như biến động trong nền kinh tế vĩ mô.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Để hỗ trợ DN, người dân, nền kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ…cũng như các gói hỗ trợ an sinh xã hội hết sức kịp thời.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Để hỗ trợ DN, người dân, nền kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ…cũng như các gói hỗ trợ an sinh xã hội hết sức kịp thời

 TS. Trương Văn Phước tính toán đến giữa năm 2024, chúng ta có thể trở lại các mốc như những năm trước đại dịch bởi việc chi cho y tế và phục hồi vẫn sẽ phải tiếp tục trong khoảng 2 năm tới và năm thứ 3 khi nền kinh tế phục hồi sẽ cân bằng lại tài khóa.

“Trong bối cảnh đại dịch khi mà những thứ phi truyền thống xảy ra thì chúng ta phải áp dụng tư duy phi truyền thống, chính sách phi truyền thống để đối lại nghịch cảnh”, TS. Trương Văn Phước nói.

Việc sử dụng khoản nợ công tăng thêm này sẽ dành cho người dân, người thất nghiệp và các DN gặp khó khăn cần được cấp bù lãi suất. Hay dùng ngân sách đó để nhập vaccine Covid-19 không chỉ 2 tháng cuối năm 2021 mà cho cả năm 2022.

“Đương nhiên phải có trọng tâm, trọng điểm, những ai bị tổn thương nhiều thì sẽ được cấp bù. Phải lựa chọn những ngành tạo nhiều việc làm như dệt may, da giày, những ngành bị tổn thương nhiều thì trợ cấp lãi suất, hỗ trợ DN…”, ông Phước nói.

Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, để hỗ trợ DN, người dân, nền kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ… cũng như các gói hỗ trợ an sinh xã hội hết sức kịp thời. Đây là những hỗ trợ chưa hẳn là lớn so với nhu cầu nhưng đưa ra rất kịp thời, đúng theo tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no" để hỗ trợ DN, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế với số thu bị sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch.

“Các chủ trương hỗ trợ hiện nay khá toàn diện và đầy đủ, nếu quá trình thực thi chính sách hiệu quả, các chương trình hỗ trợ hiện nay đi vào cuộc sống, đến đúng địa chỉ đã là nguồn trợ lực 'tiếp sức' tốt cho các DN để phục hồi”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Để khắc phục hạn chế về nguồn lực ngân sách trong quá trình hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhắc đến vấn đề sử dụng nợ công.

“Sau khi áp dụng đánh giá lại GDP từ năm 2020 thì ngưỡng nợ công vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép. Do đó, về lý thuyết vẫn có thể tăng trần vay đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Tuy nhiên, theo tính toán, vị chuyên gia này cho rằng, trần nợ công chỉ là một khía cạnh, điều quan trọng để bảo đảm an toàn nợ công là tỉ lệ chi trả nợ, tức là tổng chi trả nợ hằng năm không được vượt quá 25% tổng số thu ngân sách Nhà nước.

Do đó, việc tăng vay nợ để kích thích kinh tế phục hồi là một giải pháp nhưng cần tính toán hết sức cẩn trọng, bảo đảm an toàn nợ công, đi đôi với sử dụng hiệu quả vốn vay. Nếu để nợ công gia tăng nhưng giải ngân không hiệu quả, hoặc khả năng trả nợ hạn chế sẽ bị ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết: Với vai trò đối tác phát triển lớn trong khu vực, ADB đã hỗ trợ nhiều nước trong khu vực trong tiếp cận vốn để khắc phục các tác động của đại dịch, đặc biệt là nguồn vốn mua vaccine. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tư vấn nguồn vốn vay ở nhiều nước châu Á, chuyên gia của ADB chỉ ra một vấn đề của Việt Nam chính là khuôn khổ pháp lý liên quan đến quản lý nợ công, ngân sách “khá cứng” do các quy định trước đây chưa tính đến những cú sốc như bối cảnh đại dịch chưa có tiền lệ như hiện nay.

Cụ thể, quy định hiện hành của Việt Nam không có điều khoản vay hỗ trợ ngân sách trong trường hợp khẩn cấp và không cho phép tiếp cận vốn hỗ trợ ngân sách để mua vaccine. Mua vaccine được coi là chi thường xuyên (không phải chi đầu tư) nên không được sử dụng vốn vay ngân sách. "Đây cũng là điều cần cân nhắc để có sự linh hoạt trong quản lý ngân sách phòng những trường hợp khẩn cấp như đại dịch hiện nay", chuyên gia của ADB khuyến nghị.

Theo CP

Bài liên quan

Tin mới

Công viên nước Hồ Tây sẵn sàng đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Công viên nước Hồ Tây sẵn sàng đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Vĩnh Phúc: Xây dựng Khu Công nghiệp Nam Bình Xuyên trở thành cứ điểm sản xuất hiện đại nhất miền Bắc
Vĩnh Phúc: Xây dựng Khu Công nghiệp Nam Bình Xuyên trở thành cứ điểm sản xuất hiện đại nhất miền Bắc

Vĩnh Phúc đã và đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp. Đặc biệt, tập trung xây dựng Khu Công nghiệp Nam Bình Xuyên trở thành cứ điểm sản xuất hiện đại nhất miền Bắc, đáp ứng những yêu cầu cao từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

Đang làm rõ hoạt động kinh doanh, nguồn gốc các loại rượu nhập khẩu tại cửa hàng thegioiruou
Đang làm rõ hoạt động kinh doanh, nguồn gốc các loại rượu nhập khẩu tại cửa hàng thegioiruou

UBND quận 10, TP. HCM đã có văn bản đề nghị Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường TP. HCM phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét về hoạt động kinh doanh và nguồn gốc của các sản phẩm rượu nhập khẩu đang được bày bán tại cửa hàng thegioiruou. Đồng thời, tham mưu cho UBND quận, để trả lời báo chí theo quy định.

Giá trứng ở Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác tăng cao do sự bùng phát trở lại của cúm gia cầm
Giá trứng ở Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác tăng cao do sự bùng phát trở lại của cúm gia cầm

Sau khi lắng xuống trong gần hết năm 2023, sự bùng phát trở lại gần đây của dịch cúm gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên khắp Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã khiến giá trứng tăng vọt trở lại.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, cúm A
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, cúm A

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo chất lượng, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu; thuốc phòng chống dịch bệnh và thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa hè như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella...

Nam Định tổ chức hội thi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với “Tổ liên gia an toàn PCCC” năm 2024
Nam Định tổ chức hội thi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với “Tổ liên gia an toàn PCCC” năm 2024

Sáng 25/4, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với “Tổ liên gia an toàn PCCC năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo PCCC Nam Định dự và chỉ đạo tại hội thi.