Nhiều vụ tai nạn xảy ra
Từ đầu năm đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn học đường do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vụ học sinh tiểu học bị xe ô tô đâm gãy xương đùi; một nữ sinh bị bỏng nặng tại phòng thí nghiệm hóa học của nhà trường; học sinh ngã từ tầng cao xuống đất; học sinh bị điện giật và 9 học sinh phải nhập viện cấp cứu vì sập trần nhà khi đang ngồi học tại một trường tiểu học thuộc tỉnh Vĩnh Long…
Mới đây nhất, một sinh viên Trường Đại học Hutech đã bị một mảng bê tông rơi trúng (ngay giữa sân trường) khiến em tử vong. Và đáng lo lắng khi hàng trăm học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) đang phải học tập dưới ngôi trường có cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, nguy cơ đổ ập bất cứ lúc nào.
Những vụ việc trên, không chỉ khiến học sinh lo lắng bất an, mà các bậc phụ huynh gửi con đến trường, một môi trường vốn được xem là an toàn nhất cho trẻ thì lại trở thành nơi nguy hiểm luôn rình rập?
Trước những vụ việc này, dư luận đặt câu hỏi: Các trường đã quan tâm đúng mức đến việc bảo trì và quản lý chất lượng các công trình hay chưa?
Theo như nhiều phụ huynh, ngay từ đầu năm học, họ phải đóng một loạt khoản lệ phí, trong đó có phí xây dựng và sửa sang trường học. Tuy nhiên, những khoản phí này có sử dụng đúng mục đích hay không - còn là dấu hỏi lớn bởi hiện nay, nhiều học sinh vẫn phải học trong ngôi trường bị xuống cấp trầm trọng, đe dọa đến sức khỏe và tinh thần của các em.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Vụ tai nạn thương tâm của Nguyễn Thanh Long (29 tuổi, sinh viên Trường Đại học Hutech) bị một miếng bê tông rơi trúng đầu khiến em này tử vong là một hồi chuông cảnh báo về chất lượng công trình tại các trường học hiện nay.
Quá đau xót bởi trường học vốn là một môi trường an toàn nhất thì nay lại biến thành nơi mất an toàn, gây ra cái chết tức tưởi cho nam sinh viên này.
Sập trần lớp học Trường Tiểu học Thạch Quới A (Vĩnh Long)
Vì sao trong một thời gian ngắn, lại liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp học sinh bị tai nạn và ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những vụ tai nạn tại trường học?
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, khi vụ tai nạn xảy ra trong trường học thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng nhà trường.
Theo ông Lâm, người hiệu trưởng chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó mới quy trách nhiệm, kiểm điểm từng bộ phận phụ trách. Ông ví dụ, trong vụ học sinh bị cổng đổ đè, người hiểu rõ tình trạng cái cổng nhất là nhân viên bảo vệ mở ra mở vào hàng ngày. Nếu thấy có nguy cơ, nhân viên bảo vệ phải báo cáo hiệu trưởng sửa chữa.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), những tai nạn xảy ra trong trường học thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về nhà trường. “Khi phụ huynh đã tin tưởng gửi con cho nhà trường, thì trách nhiệm của nhà trường là phải đảm bảo an toàn cho các em, kể cả về sức khỏe, thực phẩm hay là cơ sở vật chất”, cô Hiền nói.
Tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng nếu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ thì sẽ hạn chế nhiều rủi ro cho học sinh. Mong rằng, từ những sự cố đáng tiếc vừa qua, các trường sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm để có thêm các phương án đảm bảo tốt nhất an toàn cho người học.
Ngọc Linh