Ông Lê Hùng Chính- Phó Giám đốc quản lý và điều hành Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa nhận được một số phản ánh của người dân về việc một số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (bao gồm các trạm y tế xã) đã gây khó khăn cho họ khi làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế qua ứng dụng VssID.
Cụ thể, nhiều người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã xuất trình hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID cho cơ sở khám chữa bệnh, nhưng không được cơ sở khám chữa bệnh chấp nhận. Lý do các cơ sở khám chữa bệnh đưa ra là không có đầu đọc để quét mã QR-Code hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID, hoặc máy không đọc được hoặc hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID không đúng với dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế trên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế..
Chính vì vậy, một số cơ sở khám chữa bệnh đã yêu cầu người dân xuất trình thẻ bảo hiểm y tế bản giấy mới cho hưởng chế độ bảo hiểm y tế; hoặc yêu cầu người dân phải về lấy thẻ bảo hiểm y tế hoặc đến cơ quan Bảo hiểm xã hội xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế bản giấy bị mất để trình cho cơ sở khám chữa bệnh... Thậm chí, có cơ sở khám chữa bệnh còn viện dẫn "lo lắng người bệnh không thanh toán đủ chi phí khám chữa bệnh ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế, người bệnh trốn viện"…
Trước tình trạng này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tỉnh cần chấn chỉnh ngay để việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân được thuận lợi, nhất là trong việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên VssID thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa, việc cơ sở khám chữa bệnh yêu cầu người bệnh trình thẻ bảo hiểm y tế giấy hoặc giữ thẻ bảo hiểm y tế giấy của người dân đến khi xuất viện là không cần thiết. Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân chỉ được ra đường trong trường hợp cần thiết theo quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Như vậy, việc chỉ dẫn người dân đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để yêu cầu cấp lại, đổi lại thẻ bảo hiểm y tế giấy là bất khả thi, vì người dân không thể di chuyển đến cơ quan Bảo hiểm xã hội được. Đồng thời, việc chỉ dẫn người dân ra đường là không đúng với quy định về phòng chống dịch.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa, trong suốt thời gian qua cũng như trong thời gian tới, cơ quan Bảo hiểm xã hội hoàn toàn thực hiện giao dịch điện tử với người dân, tổ chức, doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cổng Dịch vụ công tỉnh Khánh Hòa và qua ứng dụng VssID. Vì thế, mọi giao dịch về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều thực hiện bằng hình thức trực tuyến, nên người dân không cần phải đến cơ quan Bảo hiểm xã hội...
Về việc một số cơ sở khám chữa bệnh đưa ra lý do không có đầu đọc để quét mã QR-Code hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID, hoặc máy không đọc được hoặc hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID không đúng với dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế trên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế..., Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã có hướng dẫn rất rõ. Cụ thể: Nếu cơ sở khám chữa bệnh không có đầu đọc hoặc đầu đọc không quét được mã QR-Code thì ghi trực tiếp số thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh trên ứng dụng VssID. Trường hợp có sai lệch về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc sai địa chỉ thì cơ sở KCB cập nhật thẻ bảo hiểm y tế và thông tin của người bệnh theo dữ liệu trên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế để thực hiện khám chữa bệnh cho người bệnh mà không cần yêu cầu xuất trình thẻ bảo hiểm y tế giấy. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện cấp lại, đổi lại thẻ bảo hiểm y tế thông qua ứng dụng VssID hoặc qua các hình thức dịch vụ công trực tuyến (có thể thực hiện sau khi xuất viện).
“Sử dụng VssID để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế à việc ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra sự thuận lợi cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, cơ sở pháp lý cho việc này đã được quy định rất rõ tại Công văn số 6225/UBND-KGVX ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, đăng ký cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa về công tác, nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, ông Lê Hùng Chính nhấn mạnh.
Ông Lê Hùng Chính cho biết thêm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nên người dân không ra đường khi không cần thiết. Vì thế, mọi giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội của người dân đều thực hiện qua hình thức giao dịch điện tử. Như vậy, việc sử dụng ứng dụng VssID thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy là giải pháp tối ưu hiện nay cũng như trong tương lai. Cơ quan Bảo hiểm xã hội không thực hiện phát hành thẻ bảo hiểm y tế giấy đối với mọi trường hợp đã tham gia bảo hiểm y tế, có mã số bảo hiểm xã hội; và chỉ thực hiện gia hạn thẻ trên hệ thống và trên VssID.
"Người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy, không cần kèm theo giấy tờ có dán ảnh như CMND/CCCD, thẻ sinh viên, thẻ học sinh, giấy xác nhận của nhà trường. Ứng dụng VssID thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các tuyến đều thuận lợi. Người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có thể kiểm tra toàn bộ quá trình tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của chính mình; kiểm soát được việc các cơ quan liên quan đã kịp thời gia hạn thẻ bảo hiểm y tế hay chưa; quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của mình đã được đảm bảo hay chưa", ông Chính nhấn mạnh.
Cũng vì vậy, theo ông Chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tỉnh cần chấn chỉnh, nhắc nhở, phổ biến đến các khoa, phòng; hướng dẫn cán bộ, nhân viên, y bác sĩ của đơn vị thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận người bệnh bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh được sử dụng ứng dụng VssID thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế giấy, không được yêu cầu người bệnh cung cấp thẻ bảo hiểm y tế bản giấy, không được gây phiền hà cho người bệnh và gia đình của họ...
Phan Giang