Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Văn phòng, các phòng nghiệp vụ, Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức, Bảo hiểm xã hội quận, huyện thực hiện việc phát triển số người nhận lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp liên thông với các phần mềm nghiệp vụ để hạch toán tự động nhằm tiếp tục nâng cao tỷ lệ chi trả qua ATM.

Với phương thức chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, hàng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả. Để việc chống dịch Covid-19 hiệu quả thì việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, đảm bảo được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, Bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp thất nghiệp, phương thức chi trả không dùng tiền mặt còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ ngắn hạn cho người lao động, đảm bảo người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, đúng thời gian quy định.

Đối với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, tránh được sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả và các bước trung gian qua chủ sử dụng lao động.

Năm 2021, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu 98% người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử, sử dụng chữ ký số trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với ngân hàng, bưu điện…

 T.Phi