Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, năm 2020, tỷ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua hệ thống ngân hàng đạt 79,1%, vượt 28,1% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao, trong đó: Lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 42,49%; BHXH một lần đạt 97,49%; trợ cấp thất nghiệp đạt 97,34%.

Để đạt được những kết quả nổi bật trên, BHXH thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện,... phối hợp tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chi trả, thanh toán các dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm truyên truyền vận động người lao động mở tài khoản cá nhân (thẻ ATM) để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội triển khai chi trả tiền trợ cấp người có công cách mạng thông qua tài khoản cá nhân; phối hợp với Bưu điện thành phố, hệ thống Ngân hàng tổ chức tuyên truyền, vận động trực tiếp tại các địa điểm chi trả, các khu dân cư, tổ dân phố.

Phối hợp với Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8) tổ chức truyền thông về chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM.

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến lợi ích của việc không dùng tiền mặt, quy trình, thủ tục,... thông qua Cổng thông tin điện tử và Trang Fanpage BHXH thành phố. Tuyên truyền trực tiếp với các đơn vị sử dụng lao động chưa thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt...

Trong thời gian tới, BHXH Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp để đạt mục tiêu mở rộng phương thức chi trả hiện đại theo tinh thần Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người hưởng và góp phần vào công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 Hùng Anh