Sáng 3/8, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị giao ban cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháng 8/2023.
Đạt một số kết quả tích cực
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, ước 7 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều tăng so với tháng 6 và cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2022 với khoảng 17,494 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 614 nghìn người (tương đương 3,64%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 16,002 triệu người; Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,492 triệu người. Cả nước có 14,293 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 448 nghìn người (tương đương 3,24%) so với cùng kỳ năm 2022. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 91,296 triệu người; tăng 4,610 triệu người (tương đương 5,32%) so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, Ngành đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm y tế và đạt kết quả tích cực với khoảng 91,296 triệu người tham gia (tăng 4,6 triệu người so với cùng kì năm 2022). Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 256.987 tỷ đồng, tăng 23.379 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Công tác giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Mặc dù số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đều tăng nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19. Kết quả, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam ước giải quyết 49.369 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 114.620 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết 668.438 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Cả nước có 13.527.833 người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành tiếp tục được chú trọng.Trong đó đẩy mạnh việc triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Một trong những điểm được bảo hiểm xã hội địa phương đặc biệt quan tâm là tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Nghị quyết của HĐND các cấp; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã. Chủ động tham mưu kế hoạch, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Toàn ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Triển khai các hoạt động truyền thông về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, triển khai các quy định thanh tra chuyên ngành đóng theo đúng kế hoạch.
Tập trung đánh giá các chỉ tiêu chủ yếu cần hoàn thành
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn đã báo cáo chi tiết tình hình triển khai ở một số lĩnh vực nghiệp vụ trong 7 tháng đầu năm; dự báo tình hình và kế hoạch, giải pháp cho năm 2023, qua đó lãnh đạo Ngành cho ý kiến chỉ đạo và đề ra các biện pháp để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trong đó, Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ Dương Văn Hào đánh giá, trong tháng 7 tình hình kinh tế - xã hội chung của cả nước đã có chuyển biến rõ rệt, các gói hỗ trợ của chính phủ đã thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh, lao động. Điều đó ảnh hưởng tích cực đến tình hình phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó, việc nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng là dư địa tốt để khai thác phát triển người tham gia.
Về chỉ tiêu bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có dấu hiệu giảm sâu, đặc biệt là bảo hiểm xã hội bắt buộc ở một số địa phương có số doanh nghiệp lớn như: Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… một phần do sự thụt giảm đối tượng lao động, ông Hào cho biết đã chỉ đạo các địa phương bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt đến các nhóm đối tượng này, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp đưa người lao động tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trong phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc, ông Hào đề nghị, bảo hiểm xã hội các địa phương quan tâm đến việc rà soát dữ liệu từ ngành thuế; phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm rõ thực trạng sử dụng lao động trên địa bàn; tập trung truyền thông, vận động vào một số nhóm người tham gia còn nhiều “dư địa” như: giáo viên mầm non, người làm việc theo hợp đồng tại các hội đoàn thể… Trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng, bảo hiểm xã hội các địa phương cần thường xuyên gửi danh sách người tham gia đã đến hạn đóng đến các tổ chức dịch vụ thu để thông tin, tuyên truyền, vận động; có các sản phẩm truyền thông phù hợp với tình hình địa phương; phát huy vai trò của người có uy tín, các đoàn hội trong vận động…
Về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Trưởng Ban THCS bảo hiểm y tế Lê Văn Phúc cho biết Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể xây dựng Nghị định 146, qua đó các thành viên chính phủ đã góp ý để tổng hợp, hoàn thiện. Về công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ông Phúc cho biết hiện có một số địa phương diễn ra tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa như việc người bệnh không đi khám vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, bác sỹ không đi làm tại Phòng khám nhưng vẫn ký cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội… Đây chính là hạn chế, tồn tại trong việc không kiểm tra rà soát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đơn cử như tình trạng lập khống hồ sơ cấp giấy nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, đồng thời thanh toán bảo hiểm y tế tại Đồng Nai; vụ việc Công an tỉnh Nghệ An vừa khởi tố nhóm người lập khống hồ sơ bệnh án để hưởng bảo hiểm nhân thọ và trục lợi bảo hiểm y tế. Ông Phúc cho biết đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan để rà soát, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội Định Thị Thu Hiền cho biết đã hướng dẫn bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện đúng Nghị định của Chính phủ về điều chỉnh và chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người dân. Đồng thời đề nghị bảo hiểm xã hội các địa phương quan tâm đến công tác sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay theo chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua đó căn cứ tình hình địa phương tham mưu cho UBND tỉnh về công tác này.
Về lĩnh vực truyền thông, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Nguyễn Thị Thanh Hương đã thông tin một số kết quả truyền thông trong tháng. Theo đó, tháng 7 Trung tâm đã tập trung truyền thông theo định hướng từ đầu năm, truyền thông quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; truyền thông ngày bảo hiểm y tế 1/7, bảo hiểm y tế học sinh sinh viên, truyền thông việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người dân; truyền thông tác hại của việc nhân bảo hiểm xã hội một lần; tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức truyền thông chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đội ngũ phóng viên, nhà báo... Về tình hình trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Giám đốc Trung tâm Truyền thông cho biết sẽ tích cực thông tin những đơn vị sử dụng lao động, cớ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có hành vi trục lợi trong thời gian qua.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ tại Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, Giám đốc Phan Văn Mến cho biết, Bảo hiểm xã hội thành phố đã chú trọng phối hợp các sở, ngành liên quan xác định rõ các mục tiêu của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, qua đó tạo sự động thuận cao. Trong 7 tháng đầu năm, các chỉ tiêu của Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 90.000 người, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 11.000 người, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng gần 240.000 người. Trong tháng 7, Bảo hiểm xã hộiTP đã rà soát cấp giấy chứng nhận các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố, phân tích hệ thống dữ liệu phát hiện 4 đơn vị chỉ định dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh không đúng quy định; kiểm tra 8 cơ sở, đồng thời phối hợp với các Sở, Ngành liên quan trong việc cảnh báo, xử lý truy tố những cơ sở vi phạm pháp luật.
Kiên định các mục tiêu để hoàn thành nhiệm vụ
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội Nguyễn Văn Cường cũng có những đánh giá cũng như định hướng một số nội dung trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thời gian tới. Trong đó, trước sự gia việc tăng tái khám chữa bệnh BHYT đang diễn ra với tình trạng lớn, trên cả nước thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Cường đề nghị tăng cường việc xử lý, chấn chỉnh đối với công tác khám chữa bệnh tại các địa phương. Bên cạnh đó cần có giải pháp thực hiện tốt hơn việc phân bổ dự toán cho hợp lý, tránh việc gia tăng, vượt quỹ bảo hiểm y tế những tháng cuối năm. Đồng thời cần cảnh báo từ sớm, từ xa, tăng cường các giải pháp cụ thể để báo cáo Ban chỉ đạo của tỉnh về thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành ở địa phương để hạn chế tình trạng trên.
Về việc trả lương cho người lao động có thu nhập bình quân cao hơn mức đóng bảo hiểm xã hội tại một số tỉnh, thành phố, theo ông Nguyễn Văn Cường, bảo hiểm xã hội các địa phương cần tăng cường phối hợp với sở LĐ-TB&XH, các cấp chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, đôn đốc để đơn vị sử dụng lao động đóng đúng, đủ tiền cho người lao động, qua đó đảm bảo các quyền lợi cho người tham gia. Với tình hình kinh tế, xã hội của mỗi địa phương về nguồn ngân sách, ông Cường cho biết các địa phương cần phối hợp sở Tài chính xây dựng các nhóm đối tượng cụ thể, chi tiết trình cấp uỷ đảng, HĐND, UBND quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn với nhóm đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó hỗ trợ lâu dài và giữ vững kết quả đã đạt được, đảm bảo chính sách an sinh xã hội là trụ cột chính của địa phương.
Ông Cường cho rằng, cần tâm hơn nữa đến một số lĩnh vực ngành nghề tại một số tỉnh, thành phố phát triển về giải trí, du lịch để có sự quản lý chặt chẽ và tiếp tục có sự vào cuộc từ các cấp, ngành trong kiểm soát việc tham gia, thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... để đưa ra các giải pháp đồng bộ trên toàn quốc.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu tăng cường cải cách hành chính, giao dịch điện tử, số hóa dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời kiểm soát, ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, cần điều chỉnh cụ thể các tiêu chí để xây dựng dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình của các địa phương. Đồng thời nâng cấp phần mềm, rà soát, làm rõ việc một số địa phương có số thông tin sử dụng thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội trùng lặp. Về công tác truyền thông, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị các đơn vị cung phối hợp với Trung tâm Truyền thông trong việc cung cấp các nội dung thông tin xảy ra trong thực tiễn nhằm kịp thời định hướng, đưa ra những cảnh báo trong thời gian tới.
Các Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Lê Hùng Sơn, Chu Mạnh Sinh đã đánh giá một số nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản của Ngành, đề nghị sớm ban hành chương trình hành động thực hiện công tác chuyển đổi số, đưa cải cách hành chính, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành…
Kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả toàn Ngành đạt được trong 7 tháng đầu năm. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế - xã hội được dự báo từ trước, một số giải pháp của Ngành dã phát huy hiệu quả cao. Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức của 5 tháng cuối năm 2023 sẽ nhiều hơn thuận lợi nên toàn Ngành không được lơ là, chủ quan.
Tổng Giám đốc yêu cầu, toàn Ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các Luật liên quan đến nhiệm vụ của Ngành thời gian tới. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Theo Tổng Giám đốc, một số vấn đề “nóng” hiện nay như tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; việc giải quyết quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, đã được nhận định từ sớm, từ xa và được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị trực thuộc và bảo hiểm xã hội các địa phương nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện các công văn này nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia.
Về công tác phát triển người tham gia, Tổng Giám đốc yêu cầu sớm hoàn thiện kịch bản phát triển người tham gia phù hợp với tình hình chung của từng địa phương, qua đó có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể. Đồng thời sớm tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các địa phương, nhận diện rõ các bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời rà soát, nhận diện các rủi ro mà diễn biến thực tiễn hiện nay có thể xảy ra, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp trong triển khai nhiệm vụ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có dấu hiệu trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tổng Giám đốc cũng yêu cầu sớm hoàn thiện bộ tiêu chí dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước, giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong dự toán những năm về trước.
Công tác truyền thông cần tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó chú trọng dự báo, bám sát các biến động của kinh tế - xã hội, thị trường lao động liên quan đến hoạt động của Ngành để có các kế hoạch, kịch bản đi trước, hướng dẫn kịp thời, cụ thể các cá nhân, tổ chức tham gia. Công tác truyền thông, vận động cài đặt ứng dụng VssID- BHXH số cần tiếp tục tăng cường, để người lao động chủ động trong việc nắm bắt quá trình đóng - hưởng, góp phần cùng các cơ quan chức năng phát hiện xử, lý các hành vi vi phạm. Về ứng dụng này, Tổng Giám đốc cũng chỉ đạo Trung tâm công nghệ thông tin, bổ sung thêm các tính năng, tiện ích, thông tin để ngày càng thuận tiện, hữu ích hơn.
“Đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ người dân, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Thực hiện đồng bộ việc chi trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, đảm bảo tốt an sinh xã hội và người thụ hưởng” – Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Việt Anh