Theo bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam- cho hay, Việt Nam là một nước nông nghiệp với nhiều nông sản có giá trị xuất khẩu, tuy nhiên, số sản phẩm được xây dựng thương hiệu bài bản và được bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ còn rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Hiện cả nước có khoảng 800 sản phẩm nông - lâm - thủy sản có uy tín, phân bố ở 720 địa phương nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký, được bảo hộ. Trong số đó, có rất ít nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như: nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp - Hình 1

Hội thảo Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam

Nếu việc đăng ký sáng chế, xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm đầu tư thì chắc chắn sức cạnh tranh của nông sản Việt cũng tăng lên rất nhanh.

Đồng suy nghĩ với bà Lý, nhiều đại biểu cho biết hiện nay từ mô hình phát triển nông nghiệp, nhiều công ty, doanh nghiệp, nông dân có nhiều sáng tạo trí tuệ mới mẽ rất hữu ích… Vì vậy bảo hộ quyền sở hữu rất quan trọng.

Từ thực tế đó, các đại biểu dự hội thảo cho rằng, việc đăng ký sáng chế, xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nếu được quan tâm đầu tư thì chắc chắn sức cạnh tranh của nông sản Việt sẽ tăng lên, giảm được tình trạng phải xuất khẩu thông qua các thương hiệu nước ngoài.

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng đại diện Cục Trồng trọt tại phía Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, trước mắt cần tham vấn cho DN, nông dân đăng ký quyền sở hữu các giống cây trồng.

“Việc mua các loại giống cây trồng kích thích sự sáng tạo trong cả nước. Hiện chúng ta có khoảng 800 giống lúa và tồn tại trong sản xuất khoảng 100 giống, gạo xuất khẩu đi 150 quốc gia. Làm tốt tác quyền sẽ kích thích cho sự phát triển trong sản xuất”- ông Tùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng phía Nam - Cục Sở hữu trí tuệ - cho rằng, trước những thách thức trong thương mại quốc tế, cũng như tầm quan trọng trong việc đăng ký bảo hộ nông sản, đỏi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên tham gia từ DN, nhà sản xuất đến chính quyền địa phương các cấp. Bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam, sẽ góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển nền nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Hải Đăng