Nâng cao giá trị sản phẩm
Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam đã được hỗ trợ bảo hộ như nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, hoa Đà Lạt, cà phê Buôn Ma Thuột, cam Vinh, chiếu cói Nga Sơn, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Đoan Hùng, hồi Lạng Sơn... Theo đó, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã góp phần tích cực vào việc nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.
Các dự án và hoạt động của chương trình được triển khai đã tác động tích cực, tạo ra những giá trị, hiệu quả cụ thể về kinh tế, xã hội.
Cụ thể, kết nối được các hộ nông dân từ hoạt động sản xuất đơn lẻ thành mô hình sản xuất tập trung, chặt chẽ và chuyên canh sản phẩm. Thông qua việc triển khai các dự án thuộc chương trình, các tổ chức tập thể đã được thành lập.
Hiệp hội Sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn (Hải Dương), sau 1 năm triển khai dự án số lượng hội viên tăng từ 253 lên 363.
Hội Những người trồng và kinh doanh "su su Sa Pa” đã kết nối được các hộ trồng su su đơn lẻ thành mô hình sản xuất tập trung với sự liên kết chặt chẽ, chủ động và tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian đầu (2011), khi thành lập hội chỉ có 20 thành viên, đến cuối năm 2012, nhận thấy lợi ích của việc sản xuất su su mang nhãn hiệu tập thể, đã có 50 người gia nhập hội, chiếm 80% số hộ gia đình trồng và kinh doanh su su…
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Những hoạt động của các hội, hiệp hội đã góp phần nâng cao chất lượng, cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khi đưa ra thị trường đòi hỏi được quản lý chất lượng và các yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt.
Nước mắm Phú Quốc đã được quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng đặc thù vì sản phẩm hiện nay chỉ được sản xuất và đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc (chấm dứt tình trạng đưa sản phẩm về TP. Hồ Chí Minh đóng chai).
Sản phẩm thanh long Bình Thuận đã được quản lý chặt chẽ, đáp ứng về chất lượng sản phẩm và yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Ưu tiên phát triển sản phẩm nông nghiệp (Ảnh minh họa)
Đối với sản phẩm chè Mộc Châu, Công ty chè Mộc Châu đã thành lập Đội bảo vệ thực vật độc lập, bộ phận này sẽ chịu trách nhiệm việc phun thuốc theo đúng liều lượng, chủng loại và thời gian; vì vậy, sản phẩm xuất khẩu cũng như lưu thông trong nước của công ty chưa bao giờ bị khách hàng trả lại hoặc có ý kiến về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả, tăng giá bán sản phẩm, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội
Qua khảo sát thực địa của các hội đồng nghiệm thu năm 2012, báo cáo của các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm và địa phương cho thấy: giá bán cam Vinh đã tăng lên hơn 50% sau khi chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và quản lý; giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý cao hơn từ 1,7 - 2 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì; sản phẩm chè Tân Cương có bao bì mang chỉ dẫn địa lý cao hơn khoảng 1,5 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì mang chỉ dẫn địa lý.
Đặc biệt, hệ thống tem nhãn mang chỉ dẫn địa lý đã được Công ty chè Hoàng Bình (một DN chè lớn của tỉnh Thái Nguyên) sử dụng rất có hiệu quả…
Qua đó, tạo dựng được công cụ và các căn cứ khoa học để định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của chương trình, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần phải khắc phục. Chẳng hạn, quy mô sản xuất nhỏ, rất khó để phát triển sản phẩm thương mại, phát triển thương hiệu. Đặc biệt là thói quen kinh doanh sản phẩm thô, không sử dụng tem nhãn, bao bì của bà con. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, đến nay hiệu quả còn thấp, do bà con sản xuất, kinh doanh theo thói quen và kinh nghiệm, khó kiểm soát nguồn gốc và chất lượng…
Hà Kiên