Theo báo cáo từ các địa phương, hiện các tỉnh, TP. Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh đã có công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa bão trên địa bàn.
Trong đó, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo cấm biển từ 18h ngày 2/11, di dời ngư dân, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên lồng bè vào bờ trước 16h ngày 3/11, chỉ đạo cho học sinh nghỉ học vào 12h ngày 3/11.
Tỉnh Ninh Thuận tổ chức cấm biển vào 15h ngày 2/11, di dời ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên lồng bè vào bờ trước trước 13h ngày 3/11.
Tỉnh Bình Thuận tổ chức cấm biển vào 9h ngày 2/11, hoàn thành công tác ứng phó với bão trước 10h ngày 3/11. Tỉnh Phú Yên đã triển khai sơ tán người dân tại các vùng bị ngập, chia cắt, vùng trũng thấp đến nơi an toàn.
Cùng với đó, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng di dời sơ tán 75,467 hộ/386,143 người ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định: "Các hồ hiện tại đã rất đầy nước, khi bão đổ bộ sẽ kèm theo mưa lớn nên cần chú trọng bảo vệ các công trình này. Bên cạnh đó, hoàn lưu bão cũng sẽ gây mưa lớn ở những vùng chịu tổn thương trong thời gian mưa lũ liên tục vừa qua.
Do đó, nếu không chuẩn bị kỹ sẽ gây hậu quả khôn lường. Đồng thời, vận hành các hồ thủy lợi phải đúng quy trình, các hồ thiết yếu, xuống cấp phải quản lý, kiểm tra chặt chẽ 24/24h, bảo đảm không có sự cố".
Về số lượng 40 tàu thuyền chưa vào bờ của 2 tỉnh Khánh Hòa, Bình Định theo như báo cáo, Bộ trưởng đề nghị Bộ đội Biên phòng cần kêu gọi vào bờ ngay, bảo đảm an toàn cho ngư dân. Sau đó, địa phương sẽ ra thông báo cấm biển tuyệt đối ở những vùng bị ảnh hưởng, kể cả tàu nhỏ.
Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương và vùng bị ảnh hưởng thực tốt phương châm 4 tại chỗ, người dân ở những vùng trũng, nguy hiểm, ven biển phải được di dời ngay lập tức. Khi bão vào bờ, phải bảo đảm không còn người dân ở vùng nguy hiểm. Lồng bè nuôi cá, chuồng trại chăn nuôi phải có phương pháp di dời, chằng chống, tránh để tình trạng như đợt áp thấp vừa qua gây thiệt hại về kinh tế của người dân.
Theo kế hoạch, 16h chiều nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng với bão số 12 tại đầu cầu tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, đến sáng 4/11, bão số 12 sẽ vào đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/giờ), giật cấp 15.
Từ chiều và đêm nay (3/11), do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Tuấn Ngọc