Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, hồi 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, sau đổi hướng di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10 - 15 km và mạnh lên. Đến 13 giờ ngày14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 - 100 km/giờ), giật cấp 13.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7 - 8, sau tăng lên cấp 9 - 10, giật cấp 13. Biển động rất mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ ngày 15 – 18/10, tại Thừa Thiên Huế có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn từ 350 mm đến trên 500 mm.
Huế sẽ cấm biển từ 15/10
Để chủ động ứng phó với bão số 11 và mưa lớn xảy ra trên diện rộng, tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành tổ chức kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn, kết thúc trước 19 giờ ngày 14/10/2017. Tổ chức cấm biển từ ngày 15/10/2017. Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.
Tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ dân sinh tại các địa bàn xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”. Đối với cảng vụ Thừa Thiên Huế, theo dõi sát diễn biến của bão để thông báo hướng dẫn các phương tiện vận tải qua vùng biển Thừa Thiên Huế, chủ động đảm bảo an toàn ra vào cửa Thuận An và cảng Chân Mây.
Các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công các công trình thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước hiện đang thi công dở dang có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công, đồng thời cảnh báo cho người dân biết các khu vực nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra; nạo vét, khơi thông dòng chảy, hệ thống thoát nước tránh các ngập úng cục bộ xảy ra.
Trước tình hình mưa lớn kéo dài, các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thời tiết; các hồ chứa thủy điện tăng cường phát qua tua bin để tạo thêm dung tích phòng lũ; thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; chủ động chuẩn bị ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Hữu Duy