Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.

Bão số 9 cách đảo Phú Quý khoảng 360km - Hình 1

Vị trí và hướng đi của bão số 9

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 70km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 130km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cảnh báo gió mạnh: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Tây hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, từ đêm nay (23/11) gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày hôm nay (23) đến 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).

Cảnh báo lũ: Từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Khánh Hòa triển khai nhiều biện pháp ứng phó với bão số 9

Để ứng phó với bão số 9, tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước, người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể gây ra từ cơn bão.

Tỉnh Khánh Hòa đã lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành vận động các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản bằng lồng bè trên biển tại đầm Nha Phu và các vịnh: Nha Trang, Vân Phong và Cam Ranh vào đất liền tránh bão, tuyệt đối không để ai ở lại trên bè khi bão số 9 đổ bộ. Trong đó, huyện Vạn Ninh vốn là địa phương thiệt hai nặng trong cơn bão số 12 hồi năm ngoái, đã yêu cầu và cưỡng chế người dân đưa hơn 1.800 phương tiện tàu thuyền cùng hàng nghìn ngư dân vào bờ tránh trú. 

Bão số 9 cách đảo Phú Quý khoảng 360km - Hình 2

Khánh Hòa bắt đầu áp dụng biện pháp không cho các tàu đánh bắt thủy sản

Các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa bắt đầu áp dụng biện pháp không cho các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác ra khơi kể từ 12 giờ ngày 23/11. Với ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển bắt buộc phải trở vào bờ trước 16 giờ ngày 23/11; hệ thống cáp treo Vinpearland ngưng hoạt động kể từ 14 giờ ngày 23/11, cho đến khi kết thúc bão. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các địa phương tiến hành sơ tán, di dời dân ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu do mưa lớn, vùng ảnh hưởng của xả lũ hồ chứa và phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 23/11. Các địa phương đã bố trí lực lượng chốt chặn, kiên quyết không để người dân qua lại tại các đoạn đường ngập lụt, các cầu tràn, ngầm và các vùng sạt lở nguy hiểm. 

Sở Du lịch Khánh Hòa đã đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thông báo kịp thời cho khách du lịch và có phương án di dời khách khi cần thiết, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là đối với các cơ sở lưu trú trên đảo và ven biển. Để đảm bảo an toàn, từ chiều 23/11 đến hết ngày 25/11, hơn 270.000 học sinh toàn tỉnh Khánh Hòa được phép nghỉ học để tránh bão.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, hiện vẫn còn 344 tàu cá với trên 1.200 lao động đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển ven bờ thuộc khu vực biển Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang.

Anh Anh