Cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn di sản
Ông Trịnh Hữu Hùng – Giám Đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Bên cạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Quan họ trên địa bàn tỉnh, Dân ca Quan họ đã phát triển, lan tỏa đến nhiều địa phương, tỉnh, thành trong và ngoài nước, cho thấy sức sống mãnh liệt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong đời sống đương đại. Sau 15 năm được ghi danh, Dân ca Quan họ đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành món ăn tinh thần, một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều người dân Việt Nam.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh hiện đang được bảo tồn và phát huy tốt ở 04 môi trường: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, trong trường học và cộng đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 600 câu lạc bộ Quan họ, trong đó được công nhận 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành; 156 nghệ nhân Dân ca Quan họ. Sau 15 năm được ghi danh, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh thể hiện rõ qua các thành tựu sau:
Ngay sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh, Bắc Ninh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, triển khai nhiều đề án, dự án, kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh như: Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể DCQH Bắc Ninh giai đoạn 1 (2010-2011); Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013-2020”; Kế hoạch tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến năm 2022; Kế hoạch số 555/KH-UBND ngày 15/12/2022 của UBND tỉnh về tổ chức Festival “Về miền Quan họ- 2023”, kết nối tinh hoa các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận...
Hỗ trợ đầu tư tu bổ, xây dựng thiết chế văn hoá và đầu tư trang thiết bị liên quan phục vụ nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản: Trong đó, quy hoạch chi tiết quần thể văn hóa khu Thủy tổ Quan họ Bắc Ninh, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh với diện tích là 247.394m2; xây dựng 6 chòi hát Dân ca Quan họ trên khuôn viên di tích đồi Lim, huyện Tiên Du; xây dựng 11 Nhà chứa Quan họ; đầu tư trang thiết bị cho 45 Câu lạc bộ Quan họ thuộc 44 làng Quan họ gốc…
Bắc Ninh là địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước thực hiện tôn vinh và có cơ chế độ đãi ngộ nghệ nhân Dân ca Quan họ. Đến nay, UBND tỉnh phong tặng 156 nghệ nhân Dân ca Quan họ, trong đó: Chủ tịch nước phong tặng 09 Nghệ nhân nhân dân, 37 Nghệ nhân ưu tú, 02 Nghệ sĩ nhân dân, 17 Nghệ sĩ ưu tú; UBND tỉnh công nhận 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành (đợt 1- năm 2019). Thực hiện cơ chế hỗ trợ làng Quan họ gốc (44 làng) 30 triệu/làng/năm; làng Quan họ thực hành (150 làng) 20 triệu/làng/năm. Riêng CLB Quan họ ngoài tỉnh 20 triệu/CLB/lượt thăm.
Đưa Quan họ vào giảng dạy tại các trường học
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho các nghệ nhân về một số kỹ năng, nội dung liên quan trong việc truyền dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong gia đình và cộng đồng; 01 lớp dạy hát Dân ca Quan họ các Sở, ban, ngành của tỉnh. Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức 42 lớp truyền dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại 8 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, thường xuyên tổ chức truyền dạy cho các lớp “Măng non Quan họ” vào dịp hè, góp phần giáo dục Đức - Trí - Thể - Mỹ và tuyển chọn, bồi dưỡng những năng khiếu, tài năng Dân ca Quan họ.
Từ năm 2011, Dân ca Quan họ được đưa vào giảng dạy tại các trường học từ cấp Mầm non cho đến phổ thông; Truyền dạy, đào tạo Dân ca Quan họ tại Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh; tổ chức truyền dạy gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là truyền dạy qua Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
Cùng với việc tổ chức nhiều sự kiện lớn, gắn các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú mục đích nhằm quảng bá Di sản Dân ca Quan họ gắn với phát triển du lịch, Bắc Ninh tăng cường tuyên truyền, quảng bá trực quan; tuyên truyền, quảng bá trên các kênh truyền thông của tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam. Đặc biệt, tổ chức giao lưu, giới thiệu và quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong và ngoài nước, trong 15 năm qua, ngành tham mưu tổ chức nhiều Chương trình biểu diễn, giới thiệu, quảng bá Dân ca Quan họ tới bạn bè trong nước và quốc tế với tổng số gần 1.600 buổi phục vụ nhân dân trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
Định kỳ tổ chức Hội thi Dân ca Quan họ đầu Xuân, từ năm 2009 đến nay đã tổ chức được 12 kỳ (03 năm không tổ chức do dịch Covid-19); tổ chức tọa đàm, trưng bày chuyên đề về Dân ca Quan họ, hát Dân ca Quan họ trên thuyền và Canh hát đêm Rằm…
Bên cạnh đó, công tác sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn Dân ca Quan họ Bắc Ninh được duy trì thường xuyên, đến nay đã sưu tầm được 44 hiện vật liên quan đến sinh hoạt văn hóa Quan họ đầu thế kỷ XX, gồm: bộ trang phục Quan họ nam, nữ cổ; bàn ghế gỗ gụ, bộ tràng kỷ gỗ gụ, nồi nấu cơm, soạn, mâm, bát, đĩa, ấm, tách, chén, bình vôi…
Từ năm 2013 đến nay, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tiến hành ký âm được 160 bài, sưu tầm được 110 bài Quan họ cổ, phục dựng các hình thức hát Quan họ truyền thống. Thực hiện gần 40 chuyên đề nghiên cứu về văn hóa sinh hoạt và lời ca trong Quan họ. Tổ chức biên soạn, xuất bản, tái bản, chỉnh lý và phát hành 10 đầu sách về Dân ca Quan họ để tuyên truyền, quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị và giới thiệu những giá trị đặc sắc về văn hóa Quan họ.
Bá Đoàn