Theo đó, ngày 2/12, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 347/KH-UBND về việc tặng quà tới các đối tượng hưởng chính sách, người có công; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đơn vị thực hiện chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Tổng số quà tặng dự kiến là 1.109.408 suất, với tổng kinh phí dự kiến là 567.631.800.000 đồng từ nguồn ngân sách cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Các đơn vị có trách nhiệm sử dụng kinh phí theo đúng quy định, chi trả đúng đối tượng, đúng chế độ, chính sách và thanh, quyết toán kinh phí thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ vào các nguồn quyên tặng, nguồn được phép huy động khác phù hợp để quyết định các mức trợ cấp, mức tặng quà và tổ chức trợ cấp khó khăn đối với các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Hà Nội yêu cầu các đơn vị huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn đối với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm mọi người dân đều có Tết.

Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thăm hỏi, tặng quà bảo đảm đúng chính sách, đúng đối tượng, công khai, dân chủ.

Các đơn vị liên quan cũng được giao tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố thăm và tặng quà Ban Đại diện các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày TP Hà Nội, Khu điều dưỡng cán bộ tại Đại Lải, Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Hà Nội.

 PV (t/h)