Bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập - Hình 1

Tới dự hội thảo, có đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), sở công thương, quản lý thị trường các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long..., các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nhân trong khu vực.

Bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập - Hình 2

Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - Lê Thế Bảo khẳng định: Bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp là một trong những vấn đề đang giành được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Do đó, Đảng và Nhà nước đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn về bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp.

“Việc tổ chức hội thảo lần này hết sức có ý nghĩa, góp phần định hình rõ nét hơn về những cơ hội và kinh nghiệm xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Chủ tịch Hiệp hội - Lê Thế Bảo nhấn mạnh.

Nhà báo Vũ Đức Thuận, Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - Tổng biên tập Báo Thương hiệu & Công luận nhấn mạnh, thông qua hội thảo, Ban tổ chức hy vọng, doanh nghiệp tham gia sẽ nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thương hiệu doanh nghiệp, đồng thời có những chiến lược đầu tư xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp mình để phát triển bền vững và có sức cạnh tranh hội nhập quốc tế.

Bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập - Hình 3

Ông Vũ Đức Thuận, Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - Tổng biên tập Báo Thương hiệu & Công luận phát biểu tham luận tại hội nghị

“Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng quốc tế, vai trò của việc xây dựng thương hiệu càng trở nên quan trọng và cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Hiện nay, có nhiều sản phẩm của Việt Nam, không những đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, tạo ra các thương hiệu đáng tin cậy với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, cũng như giảm thiểu các tiêu cực trong kinh doanh” - ông Thuận bày tỏ.

Tại hội thảo, các tham luận, ý kiến phát biểu tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu, như: Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp; công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; sử dụng biện pháp công nghệ phòng chống hàng giả để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp...

Bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập - Hình 4

Bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập - Hình 5

Bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập - Hình 6

Nhiều ý kiến phát biểu tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu

Nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo. Các ý kiến tại tham luận đều khẳng định do lợi nhuận cao, hàng giả như “ký sinh trùng” sống nhờ vào hàng thật, luôn thay đổi để “kháng thuốc” nên tồn tại dai dẳng. Hàng giả tại Việt Nam xuất hiện tràn lan từ vật tư, máy móc, thiết bị, tiền, văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Các đối tượng in lậu tem nhãn, bao bì giả xuất xứ, giả các nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc làm theo đơn đặt hàng, làm đến đâu tiêu thụ đến đó, làm theo mùa vụ nên rất khó kiểm soát.

Thêm đó, hàng giả, hàng nhái chủ yếu được vận chuyển, tiêu thụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc được trà trộn với hàng thật ngay trong các đô thị. Nổi lên một số nhóm mặt hàng được làm giả nhiều trong thời gian gần đây như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc chữa bệnh...

Nhiều ý kiến trao đổi, doanh nghiệp trình bày, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong phòng chống hàng giả, hàng nhái cũng như những giải pháp, đề xuất có liên quan đến tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu diễn biến ngày càng phức tạp, thì những bất cập, hạn chế từ cơ chế, chính sách, cũng như chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập - Hình 7

Ông Trần Giang Khê - đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trả lời câu hỏi của doanh nghiệp 

Về vấn đề này, ông Trần Giang Khê - đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện công tác thực thi ngày càng được đẩy mạnh. Các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành... của các bộ, ngành đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ một lượng lớn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này, không chỉ làm giảm thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng, mà còn góp phần bảo vệ thương hiệu cho những đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.

Bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập - Hình 8

Ông ONG KOW KIA - Tổng giám đốc Công ty Mosfly Việt Nam phát biểu tham luận

Tại phiên thảo luận, ông ONG KOW KIA - Tổng giám đốc Công ty Mosfly Việt Nam cho biết, hàng giả, hàng nhái không chỉ sản xuất ở Việt Nam, mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ. Chỉ trong vòng 1 tuần, hàng trăm nghìn sản phẩm nhái có thể đem từ nước ngoài về bán. Như vậy, sẽ làm ảnh hưởng rất lớn cho những công ty làm ăn chân chính như Công ty Mosfly Việt Nam.

“Tôi mong rằng, qua hội thảo lần này, sẽ có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan liên quan Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn”, ông ONG KOW KIA chia sẻ.

Cao Diên - Hải Dương