Từ thời đầu tư…

Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu về phát triển công nghiệp của phía Nam. Song hành với sự phát triển đó là hàng loạt các vấn đề như cơ sở hạ tầng, người nhập cư, xã hội… và đặc biệt là quỹ đất để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.

Bất động sản Bình Dương đã vào guồng! - Hình 1

Khi cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh thì người dân đã tự tin để mua BĐS (Ảnh: Lê Thạch)

Suốt thời gian qua, Bình Dương chứng kiến sự phát triển của thị trường BĐS và có những thời điểm đã nóng lên và phải có sự can thiệp từ phía chính quyền, đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2014 đến đầu 2017.

Những dự án lớn có thể kể đến ở giai đoạn này là Khu trung tâm thương mại Sóng Thần – Dĩ An do Công ty Thành Lễ đầu tư, Dự án Becamex – Visip 1- Thuận An do Công ty Becamex đầu tư, Chuỗi dự án MegaCity – Bến Cát do Công ty Kim Oanh đầu tư và hàng loạt dự án khác với số lượng từ vài chục cho đến vài trăm nền.

Hầu hết các dự án này đều được nhà đầu tư mua ở giai đoạn đầu và chờ khi hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh mới tung ra bán. Một trong số những dự án có thể kể đến là Khu trung tâm thương mại Sóng Thần. Tại thời điểm mở bán chỉ 700 triệu/ 1/75m2 nền nhưng khi hoàn chỉnh thì được bán ra với giá gấp 1,5 lần.

Có nhiều lý do để người dân không chọn mua BĐS tại thời điểm này vì hầu như các dự án đều còn nằm trên văn bản và chưa được cấp sổ từng nền nên nguy cơ rủi ro là rất cao. Còn với nhà đầu tư thì việc nắm thông tin dự án đã giúp họ mạnh dạn trong quyết định đổ tiền vào chờ thủ tục hoàn chỉnh.

Trước sự tăng trưởng chóng mặt và BĐS bị đầu cơ làm giá, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định về việc phân lô tách thửa và siết chặt diện tích tách thửa cũng như điều kiện làm dự án đất nền.

…Đến thời mua thực

Sau hơn 3 năm đầu tư xây dựng thì hầu hết các dự án đề đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, không còn những bản vẽ nằm trên giấy và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có riêng nên người dân đã bắt đầu mua ở thực.

Ông Phan Văn Tịnh, một người dân vừa hoàn thành thủ tục mua bán nền đất lô A9, Khu TTTM Sóng Thần cho biết, năm 2014 cũng tại nền này ông được chào giá 800 triệu/ 1 nền/ 75m2 nhưng ông không dám mua vì lúc đó chỉ là một cánh đồng.

“Sau 3 năm, khi hệ thống đường đã hoàn chỉnh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có thì tôi phải bỏ ra 1,3 tỷ để mua”, ông Tịnh cho biết.

Ngoài các dự án thì các khu dân cư tự phát cũng còn rất ít nhà đầu tư mà thay vào đó là người dân mua thực. Một trong những lý do nhà đầu tư lùi bước ở các khu dân cư là giá BĐS đã không còn tăng được nữa và chững lại rõ rệt.

Anh Nguyễn Văn Quân, một nhà đầu tư BĐS riêng lẻ ở Dĩ An cho biết, nếu như trước kia đầu tư có thể lợi nhuận từ 10%-20% thì hiện nay chỉ còn từ 3%-5% nên anh quyết định tạm ngưng và chờ thị trường.

“Thời điểm 2013 mua một BĐS với giá 700 triệu/100m2 có thể bán với giá 1 tỷ nhưng bây giờ thì mua 1 tỷ nhưng bán chỉ 1,05 tỷ - 1,1 tỷ và thời gian kéo dài gấp 3,4 lần so với trước”, anh Quân nói thêm.

Hơn nữa, so với trước kia thì thông tin BĐS, giá và quy hoạch đã được công bố rộng rãi nên người dân có thể so sánh và đảm bảo mình mua được với giá thực tế, không bị đầu cơ.

Bất động sản Bình Dương đã vào guồng! - Hình 2

Vẫn còn khá nhiều dự án đang nằm trên giấy (Ảnh: Lê Thạch)

Khi các dự án hoàn chỉnh, quy hoạch được công bố thì cũng là lúc BĐS Bình Dương chính thức vào guồng để người dân có nhu cầu mua nhà ở thực tiếp cận và sở hữu.

Phân khúc thấp chiếm thị trường

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng đến chóng mặt thì năm 2017 là lúc thị trường đón nhận sự phát triển của BĐS phân khúc thấp dưới 1 tỷ và đối tượng mua sở hữu nhiều nhất là công nhân.

Với thu nhập bình quân từ 8 triệu đến 14 triệu/ 1 tháng của công nhân Bình Dương hiện nay thì việc sở hữu những BĐS phân khúc thấp không quá khó cùng với sự đồng hành của ngân hàng.

Một trong những ngân hàng đang hỗ trợ mua nhà trả góp nhiều nhất tại Bình Dương là Sacombank và Vietcombank với lãi suất giao động từ 0,80% đến 0,83%/ tháng, thời gian trả góp là 25 năm.

Chị Thúy Triều, một công nhân vừa hoàn tất thủ tục mua nhà 3 bên (ngân hàng hỗ trợ) cho biết, thủ tục vay và mua khá dễ và thời gian chỉ trong vòng 30 ngày.

Với tổng thu nhập hai vợ chồng là 23 triệu/ tháng, chị Triều đã quyết định mua BĐS trị giá 1,06 tỷ với mức hỗ trợ của ngân hàng là 600 triệu/ 25 năm.

“Không chỉ riêng tôi mà nhiều người khác cũng quyết định mua nhà thời điểm này vì giá không bị đầu cơ, chính chủ và được ngân hàng hỗ trợ. Nếu đợi đến khi thị trường phát triển nóng thì chúng tôi không thể mua nổi”, chị Triều cho biết thêm.

Cùng với nhiều lĩnh vực khác của xã hội, lĩnh vực BĐS đã được kiểm soát vào guồng là lúc để Bình Dương cấu trúc lại mật độ dân cư cũng như quy hoạch để tiến tới hình thành và chính thức trở thành thành phố trực thuộc trung ương dự kiến vào cuối năm 2019. Ngoài ra, đây cũng là sự nỗ lực của Bình Dương nhằm kiềm chế sự tăng trưởng nóng của BĐS để hỗ trợ người dân có nhu cầu ở thực sở hữu được BĐS.

Lê Thạch