BCĐ 389 Hà Nam tăng cường chống gian lận thương mại
Tích cực xử lý gian lận thương mại
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở Hà Namchủ yếu là các mặt hàng thuốc lá, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, quần áo, thực phẩm các loại. Các hành vi gian lận thương mại được phát hiện là các vi phạm về: niêm yết giá, ghi nhãn, thủ tục đăng kí kinh doanh, điều kiện thu gom bảo quản vận chuyển thủy sản, về thủ tục thuế, hải quan…
Lực lượng quản lý thị trường đã triển khai cho 171 cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không sản xuất, tàng trữ, kinh doanh: hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền SHTT, không đảm bảo chất lượng. Lực lượng đã kiểm tra 193 vụ, xử lý 172 vụ vi phạm. Lĩnh vực y tế đã thanh, kiểm tra 43 cơ sở, phạt xử lý hành chính 8 cơ sở, thu nộp ngân sách Nhà nước 6,6 triệu đồng.
Riêng về công tác ATTP, đoàn kiểm tra liên ngành về công tác quản lý chất lượng ATTP tỉnh đã được thành lập theo Quyết định 1221/QĐ-UBND ngày 8/8/2017 của UBND tỉnh Hà Nam. Trong tháng 8 đoàn đã kiểm tra, xử phạt hành chính 2 cơ sở thu gom, kinh doanh thủy sản trên địa bàn, tịch thu và tiêu hủy 80 kg thủy sản không có nguồn gốc. Chi cục QLTT cũng kiểm tra xử lý 17 vụ vi phạm về ATTP, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 13 triệu đồng. Sở y tế thanh kiểm tra 35 cơ sở vi phạm ATTP.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chi cục trưởng chi cục ATTP, Sở y tế Hà Nam cho biết: lực lượng thường xuyên kết hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nắm được các quy định của pháp luật về Luật ATTP.
Ông Nguyễn Văn Hán, Giám đốc Sở công thương, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 389 Hà Nam cho biết: Địa bàn Hà Nam không phải là địa điểm chính để tập kết hàng hóa nhưng là địa bàn chủ yếu để các đối tượng trung chuyển hàng hóa nhập lậu từ tỉnh này sang tỉnh khác. Hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa thường diễn ra trên khâu lưu thông, thay đổi theo tính chất mùa vụ, số lượng không nhiều nhưng thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Các đối tượng lợi dụng đường cao tốc vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa tại địa bàn giáp ranh, khu công nghiệp, xé lẻ hàng hóa, nhập hàng hóa nước ngoài sau đó dán tem, nhãn mác của công ty trong nước để xuất bán.
Trên thị trường nội địa, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán xen lẫn với hàng hóa có chất lượng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra bắt giữ.
BCĐ 389 Hà Nam tăng cường kiểm soát các mặt hàng như: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, đồ điện… trên địa bàn TP Phủ Lý, trung tâm các huyện thị tứ và các điểm lên xuống dọc Quốc lộ 1A, 38A, 21A.
Chủ động phối hợp lực lượng
BCĐ 389 Hà Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện, TP chủ động triển khai, phối hợp trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được UBND tỉnh Hà Nam ban hành tại Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 18/10/2016.
Ông Trần Viết Huệ, Phó giám đốc sở y tế Hà Nam cho biết: Lực lượng luôn tăng cường công tác phối hợp kiểm tra liên ngành trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đề nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tích cực chủ động phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc cung cấp thông tin, giám định hàng hóa trong công tác điều tra, xử lý hàng giả, xâm phạm SHTT.
Các lực lượng 389 Hà Nam phối hợp rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế GTGT trong việc nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến hoặc mới chỉ qua sơ chế thông thường xảy ra trên địa bàn.
Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp dừng, kiểm tra phương tiện trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nhằm tránh các phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm lọt qua địa bàn.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân chủ động tham gia phòng chống và tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Ngô Tỉnh