Xử lý nhiều vụ vi phạm

Thực hiện NQ số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống GLTM trong tình hình mới, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46, Công an tỉnh Hà Nam) cùng với công an các huyện, thành phố và các ban, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật, thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm và vi phạm để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phát hiện, tố giác các vi phạm với lực lượng chức năng. Từ tháng 8/2016 đến nay, PC46 đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra 108 vụ/114 đối tượng, thu nộp NSNN trên 1,5 tỷ đồng.

Công an Hà Nam: Quyết không để buôn lậu lộng hành - Hình 1

Công an Hà Nam xử lý hàng vi phạm

Trong đó, khởi tố hình sự 5 vụ/5 đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm; xử phạt hành chính 103 vụ/109 đối tượng GLTM (hàng hóa vi phạm như pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu các loại, điện thoại di động, quần áo, mỹ phẩm… phạt khoảng 1,3 tỷ đồng).

Theo Đại úy Phạm Trung Trực, Đội trưởng Đội chống buôn lậu (PC46): Các đối tượng GLTM, chủ yếu từ Trung Quốc, được vận chuyển qua biên giới phía Bắc vào các tỉnh miền Trung, miền Nam, qua tỉnh Hà Nam. Họ thường sử dụng hóa đơn quay vòng; hợp thức hóa hóa đơn bán hàng, kê khai không đúng chủng loại, số lượng hàng hóa… khiến việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Đại úy Trần Ngọc Tú, Phó đội trưởng Đội chống buôn lậu (Công an TP. Phủ Lý) cho biết: Trên địa bàn TP. Phủ Lý, không có điểm tập kết hàng hóa. Những vi phạm, chủ yếu thuộc các hộ kinh doanh cá thể; các mặt hàng có lợi nhuận cao, mặt hàng thời vụ như quần áo Trung Quốc, đồ điện tử, đồ da dụng, nhái các sản phẩm chính hãng, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Công an TP. Phủ Lý, đã phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý, phạt hành chính 27 vụ/30 đối tượng, thu nộp NSNN hàng trăm triệu đồng (số liệu thống kê từ ngày 16/11/2016 -31/7/2017).

Thiếu tá Lê Văn Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế nhận định: Hà Nam là địa bàn trung chuyển, không có đầu nậu, thời gian qua chưa phát hiện trường hợp sản xuất hàng giả. Hoạt động GLTM, chủ yếu diễn ra trên khâu lưu thông.

Đẩy mạnh công tác đấu tranh

Trên địa bàn tỉnh, có nhiều khu công nghiệp với các DN (chủ yếu của nước ngoài) nên việc triển khai kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng cần qua nhiều khâu, nhiều thủ tục, đòi hỏi sự kết hợp, đồng nhất của toàn lực lượng.

Thời gian tới, Công an Hà Nam sẽ chủ động nắm bắt tình hình, tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống GLTM trên địa bàn. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Công an TP. Phủ Lý cho biết, sẽ đấu tranh triệt để, đảm bảo xử lý đúng quy định, tạo môi trường trong sạch, lành mạnh trên địa bàn thành phố.

Lực lượng cảnh sát kinh tế phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng đấu tranh vào các địa bàn, tuyến trọng điểm như TP. Phủ Lý, các huyện Duy Tiên, Thanh Liêm, Lý Nhân, các quốc lộ 1A, 21A, 21B, 21A mới, 38… Kiên quyết không để hình thành các đường dây, ổ nhóm GLTM.

Thiếu tá Lê Văn Dũng cho biết thêm: Lực lượng quyết liệt đấu tranh hơn nữa, đồng thời sử dụng đồng bộ các chiến dịch, kiểm soát triệt để nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phối hợp bắt giữ, xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về GLTM. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động các DN, người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm trong công tác chống GLTM.

Mở lớp tập huấn, triển khai đợt cao điểm dịp Tết Nguyên đán, đợt thi đua 71 năm thành lập ngành cảnh sát… nhằm động viên và khích lệ lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ giao. Đề xuất có sự kết nối với các DN nắm vững và hiểu rõ về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc sản phẩm, nhằm kịp thời phát hiện vi phạm.

Duy Hà