Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 Thừa Thiên Huế cho biết ngày 5/8 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Thừa Thiên Huế đã phát hiện 2 tấn đường kính trắng đựng trong các bao tải, đều do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ.

Trong đó điểm một số vụ lớn như: Ngày 22/7, trong lúc đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu trong địa bàn hoạt động hải quan, Tổ tuần tra - Đội Kiểm soát Hải quan tỉnh Quảng Trị qua khám phương tiện ô tô tải biển kiểm soát số 75C-036.19, đã phát hiện 2,5 tấn đường trắng không có chứng từ hợp pháp.

Ngày 6/8, lực lượng Hải quan phát hiện đối tượng vận chuyển 40 bao tải màu trắng (trọng lượng 50 kg/bao), bên ngoài mỗi bao có in các dòng chữ “REFINED SUGAR”, “NET WEIGHT 50 kg” và “PRODUCT OF THAILAND”, trên bao bì in chữ do Thái Lan sản xuất với tổng trọng lượng là 2 tấn. Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện không xuất trình được hồ sơ, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

Ngày 9/8, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ vận chuyển 3,5 tấn đường kính trắng, 50 kg/bao, ghi do Thái Lan sản xuất.

Tại Tây Ninh, ngày 4/8 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất thương mại, xuất nhập khẩu Thúy Anh (tọa lạc ấp Đông Biên, xã Tân Đông, huyện Tân Châu) với hành vi “núp bóng” công ty xuất nhập khẩu, buôn lậu hơn 170 tấn đường cát, trị giá hơn 3 tỷ đồng. Qua điều tra cho thấy, toàn bộ số đường cát được công ty này nhập từ Campuchia vào Việt Nam để phân phối.

Gần 200 tấn đường cát Thái Lan nhập lậu được phát hiện, bắt giữ
Gần 200 tấn đường cát Thái Lan nhập lậu được phát hiện, bắt giữ

Tại thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ hơn 140 tấn đường cát không rõ nguồn gốc với tổng trị giá lô hàng khoảng hơn 2 tỷ đồng, được chở trên 3 xe tải và container khi các phương tiện đang đậu ở quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Được biết, các tài xế chở hàng vi phạm khai nhận, đường cát được chở từ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai lên thành phố Hồ Chí Minh.

Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, đường lậu ồ ạt vào thị trường nội địa đã khiến ngân sách nhà nước thâm hụt và đẩy doanh nghiệp đường đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt, buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí ngưng hoạt động. Còn người dân trồng mía thì không đảm bảo thu nhập, làm ăn thua lỗ và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ảnh hưởng trầm trọng đến ngành mía đường nước ta trong tương lai.

Để chống buôn lậu và vận chuyển trái phép đường cát nhập lậu, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết đã yêu cầu các lực lượng chức năng thực hiện tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với mặt hàng đường cát nhập khẩu trên thị trường.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Theo đó, hệ thống này cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR nhằm kiểm tra tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Bảo Lâm