Tìm hiểu về nội dung này, Phóng Viên Thương hiệu và Công luận có bài phỏng vấn Thạc sĩ Ngô Xuân Khoát, Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Thạc sĩ Ngô Xuân Khoát, Phó Hiệu trưởng (bìa phải) và Thạc sĩ Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng (giữa) tiếp nhận kinh phí tài trợ của doanh nghiệp cho công tác đào tạo nâng cao kỹ năng nghề và tiếng Anh cho học viên của trường.
Thạc sĩ Ngô Xuân Khoát, Phó Hiệu trưởng (bìa phải) và Thạc sĩ Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng (giữa) tiếp nhận kinh phí tài trợ của doanh nghiệp cho công tác đào tạo nâng cao kỹ năng nghề và tiếng Anh cho học viên của trường. (Ảnh: Tư liệu)

 Thầy giỏi sẽ có trò giỏi

 PV.  Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là mục tiêu trọng tâm của các cơ sở đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ tỉnh BR-VT thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?

 ThS. Ngô Xuân Khoát: Thứ  nhất chúng tôi quan tâm đến con người, đội ngũ giáo viên.  Có thầy giỏi sẽ đào tạo được trò giỏi, giỏi về kỹ năng nghề, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và những kiến thức cập nhật mới để đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Thời gian qua,  được sự hỗ trợ của địa phương và trung ương,  nhà trường đã đưa một số thầy cô đi học tại một số nước như Úc, Đức, Malaysia, Đan Mạch, Hàn Quốc để cập nhật và học hỏi những kinh nghiệm của các nước phát triển về công tác đào tạo nghề. Giai đoạn 2015-2020, nhà trường có 5 giáo viên được cử đi đào tạo tại Úc  và 8 giáo viên đào tạo tại Đức.

Sau khi đi đào tạo nước ngoài về, đội ngũ này sẽ cùng với  giáo viên trong trường liên hệ với các doanh nghiệp khảo sát nhu cầu thực tế để tổ chức xây dựng chương trình, trong đó định lượng cụ thể khối lượng kiến thức cũng như kỹ năng đưa vào tổ chức đào tạo.

Nhà trường mời các doanh nghiệp tham gia đánh giá chương trình đào tạo, chỉnh sửa chương trình đào tạo, hỗ trợ cùng giảng dạy, đưa học sinh, sinh viên đến các doanh nghiệp để tham gia học tập.

  Được học tập tại doanh nghiệp, học viên nắm bắt được công nghệ, quy trình sản xuất  trực tiếp, sử dụng dụng cụ trang thiết bị thành thục.  Sau khi học xong, học viên ra doanh nghiệp không phải đào tạo lại. Đó là sự thay đổi cần thiết và tất yếu nhà trường luôn coi trọng và mang lại hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đội ngũ và chương trình, chúng tôi cũng không ngừng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, nhà xưởng làm sao cho đủ chuẩn. Từ khi thành lập trường tới nay,  Trường được tỉnh và trung ương đầu tư với tổng trị giá khoảng gần 300 tỷ đồng.

Sinh viên thực hành nghề Cơ điện tử
Sinh viên thực hành nghề Cơ điện tử. (Ảnh: Tư liệu)
SV thực hành nghề cắt gọt kim loại
SV thực hành nghề cắt gọt kim loại. (Ảnh: Tư liệu)

  Xác định học sinh, sinh viên là lực lượng trung tâm

PV. Theo ông,  đâu là yếu tố, nhiệm vụ then chốt tạo nên chất lượng đào tạo nguồn nhân lực? Ông cho biết  kết quả nổi bật của nhà trường đạt được thời gian qua, minh chứng cho giải pháp phù hợp trong đào tạo nghề của nhà trường?

ThS. Ngô Xuân Khoát:  Để có nguồn nhân lực chất lượng,  phải nói đến sự kết hợp đồng bộ từ nhiều yếu tố. Ngoài đổi mới trong đội ngũ, quản trị, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, chúng tôi có nhiều hoạt động phải đặt học viên là trung tâm để thay đổi.

 Chúng tôi liên kết với một số nước phát triển để tổ chức đào tạo và cấp bằng đối với người học. Cụ thể thời gian qua, chúng tôi đã hoàn thành chương trình liên  kết đào tạo với nước Úc cho 20 sinh viên nghề cơ điện tử. Hiện đang liên kết với tổ chức đào tạo nghề của Đức cho 32 sinh viên. Trong đó nghề Hàn 16 sinh viên, nghề cắt gọt kim loại 16 sinh viên.

 Các sinh viên khi ra trường giống như một du học sinh tại chỗ, chuẩn đầu ra thực hiện theo yêu cầu của nước bạn.  Sau khi các em ra trường các em có chuyên môn cao, được doanh nghiệp tuyển dụng mức thu nhập tương xứng. Đây là lớp chất lượng cao nhà trường đang triển khai và nhân rộng.

Một trong yếu tố quan trọng đem lại thành công giáo dục dạy nghề không thể xem nhẹ là khâu hướng nghiệp tuyển sinh. Ngay từ khi các em vào trường chúng tôi coi trọng công tác hướng nghiệp cho các em. Ví dụ, công tác tuyển sinh học sinh lớp 9,  chúng tôi mời phụ huynh, giáo viên các trường THCS đến trường tham quan trải nghiệm. Sau một buổi, các em có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chứ không học theo trào lưu như nhiều bạn trẻ từng mắc phải, rồi bỏ học giữa chừng vì thấy không phù hợp.

Giáo dục kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp cho học viên với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản cũng là nội dung nhà trường chú trọng và đem lại hiệu quả. Đây là lỗ hổng, mà qua phản hồi từ các doanh nghiệp, khiến nhiều học viên không qua được vòng phỏng vấn xin việc vì thiếu kỹ năng mềm thì nay từng bước được lấp đầy. Đơn giản như việc đến trường ăn mặc chỉnh tề; đến lớp, bảo hộ lao động đầy đủ; thái độ khi gặp khách hàng ra sao đều được chúng tôi đào tào ngay từ lúc đầu.

Hiện nay tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng ra trường qua khảo sát cụ thể từng doanh nghiệp, từng địa chỉ nơi các em làm việc thì có 97% học viên  ra trường có việc làm với mức lương khá tốt. Chúng tôi có hệ thống truy vết theo dõi học viên sau khi ra trường.

Năm 2020 là năm khá thành công đối với BCTECH chúng tôi. Trường có một  học sinh được tham gia đoàn thi tay nghề Việt Nam tham dự thi hội thi tay nghề thế giới là em Đoàn Minh Tuấn với nghề cơ khí. Nhà trường đạt giải nhì, giải 3 và giải khuyến khích tại kỳ thi kỹ năng nghề toàn quốc.

SV thực hành làm bánh tại xưởng bánh của trường
SV thực hành làm bánh tại xưởng bánh của trường. (Ảnh: Tư liệu)

PV. Nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường trong thời gian tới là gì để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII  vào thực tiễn cuộc sống?

ThS. Ngô Xuân Khoát: Chúng tôi bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020- 2025, trong đó xác định 4 trụ cột về kinh tế là: công nghiệp, du lịch, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, để xây dựng chương trình làm sao sát nhu cầu thực tế và sự phát triển của địa phương cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về con người (đội ngũ), tiêu chí về cơ sở vật chất, tiêu chí về quản lý và đặc biệt là tiêu chí về chuẩn kỹ năng nghề, kiến thức ngoại ngữ, tin học đối với người học để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới, trở thành trường nghề chất lượng cao theo đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

 Xin cảm ơn ông!

Thanh Huyền (thực hiện)