Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố Báo cáo tài chính Quý III/2021. Theo đó, mặc dù môi trường kinh doanh không thực sự thuận lợi, hoạt động kinh doanh của BIDV 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì ổn định, an toàn, quy mô hoạt động tăng trưởng khá so với đầu năm, chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, các chỉ tiêu hiệu quả đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo đúng lộ trình. Đồng thời, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, BIDV tiếp tục dành nguồn lực để cùng hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn với khách hàng và nhân dân cả nước.
Hoạt động kinh doanh duy trì ổn định, an toàn, đạt kết quả tích cực
Tính đến 30/9/2021, BIDV đạt được kết quả kinh doanh tích cực, thể hiện trên nhiều bình diện: Tổng tài sản hợp nhất đạt trên 1,686 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11,2% so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng khá, tập trung dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và định hướng kinh doanh của BIDV, phù hợp với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đến 30/9/2021, cho vay khách hàng đạt trên 1,328 triệu tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm, tốc độ tăng tương đương thực hiện cùng kỳ các năm trước dịch bệnh (năm 2019 trở về trước) và tích cực hơn mức thực hiện cùng kỳ năm 2020, trong đó dư nợ tăng trưởng tốt ở các phân khúc khách hàng Bán lẻ, SME, FDI.
Huy động vốn điều hành phù hợp với những diễn biến về tín dụng, đảm bảo an toàn - hiệu quả, đến 30/9/2021 tổng Tiền gửi của khách hàng và Phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1,424 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm.
Chất lượng tín dụng được cải thiện tích cực so với đầu năm: Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 thời điểm 30/9/2021 ở mức 1,39%, giảm 0,15% so với đầu năm, kiểm soát theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước dưới 1,6%; Tỷ lệ nợ nhóm 2 là 1,29%, giảm 0,03% so với đầu năm.
Hoạt động thu phi lãi ghi nhận kết quả tích cực: Thu dịch vụ ròng đạt 6.226 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các dòng dịch vụ có mức tăng trưởng cao trên 30% là dịch vụ ngân hàng số (45%), dịch vụ bảo hiểm (60%),...
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.733 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 83% kế hoạch năm. BIDV đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định. Các chỉ tiêu về an toàn hoạt động luôn đảm bảo theo quy định của Nhà nước, tiệm cận thông lệ quốc tế.
Thiết thực hỗ trợ khách hàng và cộng đồng khắc phục ảnh hưởng của đại dịch
Năm 2021, phát huy vai trò, trách nhiệm của định chế tài chính hàng đầu đất nước, BIDV tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước với tổng ngân sách dự kiến cả năm khoảng 7.100 -7.500 tỷ đồng; trong đó 9 tháng đầu năm 2021, BIDV đã chủ động giảm thu nhập trên 5.200 tỷ đồng để triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất và giảm phí dịch vụ hỗ trợ các khách hàng.
Bên cạnh sự hỗ trợ thông qua hoạt động kinh doanh, BIDV cũng tích cực triển khai các chương trình an sinh xã hội ủng hộ phòng chống Covid-19: Đến 30/9/2021, tổng kinh phí thực hiện các chương trình an sinh xã hội đã cam kết của BIDV là gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra, trong tháng 8/2021, BIDV đã ban hành chương trình tín dụng - dịch vụ ngân hàng đặc biệt ưu đãi hỗ trợ cán bộ y tế trên toàn quốc với tên gọi “Đồng hành cùng ngành Y, chung tay vượt đại dịch” với tổng quy mô gói tín dụng 25.000 tỷ đồng (gồm gói tín dụng 5.000 tỷ phục vụ nhu cầu đời sống và gói tín dụng 20.000 tỷ phục vụ nhu cầu nhà ở của cán bộ y tế), số giải ngân đến cuối tháng 9/2021 đạt trên 5.140 tỷ đồng trên phạm vi cả nước.
Tiếp tục nhận được sự đánh giá tích cực của các tổ chức trong và ngoài nước
Trong 9 tháng đầu năm 2021, BIDV đã nhận được sự đánh giá tích cực của các tổ chức uy tín quốc tế và trong nước thông qua nhiều giải thưởng, danh hiệu như: Top 2.000 Công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới (Tạp chí Forbes); Top 300 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới (Brand Finance); Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam (Tạp chí The Asian Banker); Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam (Tạp chí The Asian Banking & Finance); Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam (Tạp chí Alpha Southeast Asia); Ngân hàng Bán buôn số 1 của năm (Tạp chí Global Banking & Finance Review); Ngân hàng giao dịch tốt nhất Việt Nam (Tạp chí The Alpha Southeast Asia), Ngân hàng Quản lý tiền tệ tốt nhất Việt Nam (Tạp chí The Asian Banker); Ngân hàng lưu ký - giám sát tốt nhất Việt năm 2021 (Tạp chí The Asian Banker); 6 sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin được trao danh hiệu Sao Khuê 2021 (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam)...
Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình hệ thống, rà soát mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 để điều hành hoạt động kinh doanh, tối đa hóa nguồn thu theo hướng tập trung gia tăng các nguồn thu phi lãi, tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử, kiểm soát chi phí.
Minh Anh