Gian lận thương mại, hàng giả phức tạp do lợi dụng dịch bệnh

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, do Covid-19 diễn biến rất phức tạp, lây nhiễm qua đường tiếp xúc nên môi trường kinh doanh thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính… phát triển mạnh, được người dân lựa chọn, giúp cho việc mua bán, trao đổi, thanh toán dễ dàng.

Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng lợi dụng phương thức kinh doanh này để gian lận thương mại, mua bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính.

Lực lượng chức năng thu giữ sản phẩm nghi nhái khẩu trang 3M.
Lực lượng chức năng thu giữ sản phẩm nghi nhái khẩu trang 3M.

Trong những tháng qua, trên tuyến biển, tình hình tội phạm, vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn ra phức tạp, tập trung vào những mặt hàng có lợi nhuận cao như: Dầu DO, than, hàng thủy sản, pháo nổ, hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng đông lạnh.

Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu. Trong thị trường nội địa, hàng lậu, hàng cấm, hàng giả đưa vào nội địa giảm, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới chống dịch bệnh Covid-19.

Một số đối tượng còn đặt hàng sản xuất giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập lậu về tiêu thụ trong nước; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng; các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Trong tháng 7/2021 toàn ngành Hải quan bắt giữ, xử lý tổng số 1.321 vụ, trị giá hàng vi phạm ước tính 99,536 tỷ đồng; so với cùng kỳ 2020 tăng 15,07% số vụ vi phạm, trị giá hàng vi phạm giảm 11,04%, trong đó có 17 vụ buôn lậu, tăng 54,55%.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn lực lượng chức năng cả nước đã xử lý: 11.330 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 50.141 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 10.847 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 5.036 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, 6 tháng đầu năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được một số kết quả tích cực; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiềm ẩn phức tạp, cả về quy mô, tính chất phạm vi.

Biện pháp chống buôn lậu, hàng giả phù hợp với tình hình COVID-19 

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, đồng chí Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng thực hiện các nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xây dựng các biện pháp, chương trình, kế hoạch cụ thể trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, cũng như khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả để phòng chống một cách có hiệu quả, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Trước mắt, cần chủ động kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, sỹ quan có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo nội bộ trong sạch vững mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, thị trường nội địa, nhất là sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát.

Các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng cần sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm soát và kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm.

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền tích cực hơn nữa để người dân tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất – kinh doanh hàng giả.

Hoan Nguyễn