THCL Không phải chỉ có chiến tranh mới có sự hy sinh mất mát, mà ngay trong thời bình vẫn có những người chiến sỹ đã anh dũng ngã xuống tại vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Các anh chính là anh hùng thời đại mới, xứng đáng để thế hệ trẻ Việt Nam noi gương và học tập. Biển xanh vang vọng mãi tên anh…
Quấn cờ Tổ quốc nhảy xuống dòng nước xiết
Sau vài ngày vượt biển, chúng tôi đã tiếp cận được nhà giàn đầu tiên thuộc cụm Phúc Tần, nhà giàn đóng trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, cách TP. Vũng Tàu gần 300 hải lý.
Có lên đây mới thấm thía nỗi gian khổ và sự hy sinh to lớn của những người lính biển, ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc.
Tôi nhớ, buổi sáng hôm ấy, khi ánh bình minh tỏa sáng, tôi đứng trên đỉnh nóc nhà giàn, phóng tầm mắt nhìn bốn phương tám hướng, biển hôm nay sao đẹp thế, trước mặt tôi là một màu xanh mênh mông của biển cả, những con sóng nhấp nhô bạc đầu, những đàn chim hải âu đang chao liệng trên sóng để tìm mồi. Giữa trùng khơi nhìn bốn phương chỉ là đường vòng cung chân trời, mặt biển xanh như màu ngọc bích, đàn cá tung tăng bơi lội. Đáy biển kia tiềm ẩn một nguồi tài nguyên vô cùng quý giá, mà chúng ta chưa có điều kiện khai thác làm giàu cho đất nước.
Thấy tôi mải mê ngắm biển, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoan, quê Nam Định, Chỉ huy trưởng, vỗ vào vai tôi, xúc động nói: “Từ ngày thành lập, trải qua chặng đường hơn 27 năm rồi, nhưng đã có 9 người con hy sinh anh dũng tại vùng biển thân yêu này. Các anh chính là những anh hùng thời đại mới”.
Qua trò chuyện với anh, được biết, anh là nhân chứng sống thoát nạn trong trận bão năm ấy. Nhớ về đồng đội, anh Hoan xúc động kể: “Lúc 16 giờ ngày 12/12/1998, bão tràn qua nhà giàn, trên vùng biển thềm lục địa quanh nhà giàn không còn hình bóng một con tàu, vắng tanh, vắng ngắt, tất cả đã đi tránh bão.
Sóng mỗi lúc một lớn hơn. Càng về chiều, sóng càng dữ dội. Những con sóng cao như tòa nhà lầu, liên tiếp ập đến làm nhà giàn rung lắc mạnh, giữa đêm tối mịt mùng, sống chết trong gang tấc, trên nhà giàn lúc ấy có 9 chiến sỹ: Tất cả đều mặc sẵn áo phao, lấy dây mồi buộc vào tay nhau nếu chết thì vẫn còn xác”.
Khoát tay một vòng ra phía trước mặt, Thiếu tá Hoan kể tiếp: “Sóng biển càng ngày càng hung dữ, liên tục đánh trùm vào nhà giàn, nhả bọt trắng xóa. Nhà giàn chao đảo ngả nghiêng. Trước tình thế hiểm nguy, để bảo đảm an toàn tính mạng, Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/6 (Phúc Nguyên 2A) điện về cho Sở chỉ huy đất liền, được phép rời trạm. Anh cho tốp 2 nhảy xuống biển lần theo dây mồi, bằng mọi cách phải bám phao cứu sinh. Trên tốp 2 có tôi và chiến sỹ cơ yếu Hà Công Dụng, Thuật- chiến sỹ pháo thủ.
Trên nhà giàn lúc này chỉ còn Thủy, Chương và chiến sỹ cơ điện. Trước khi rời nhà, Chương còn cẩn thận đóng tất cả cửa nhà lại và đến tủ cầm lá cờ Tổ quốc quấn vào ngực mình và gói quyển sổ vàng truyền thống, nhưng bất ngờ một cơn sóng như quả núi ập vào nhà giàn, anh hô lớn: “Mọi người bình tĩnh, còn người còn trạm, anh em hãy bám chặt vào phao bè và cố gắng thoát khỏi vòng xoáy”. Anh vừa hô xong thì nhà giàn bị đổ. Con sóng ấy đã cướp mất anh và 2 người đồng đội”…
Làm rạng danh truyền thống
Anh Hoan kể: “Cái chết dữ dội của Liệt sỹ Vũ Quang Chương đã được ghi vào Sổ Vàng truyền thống của đơn vị, cũng như Quân chủng Hải quân. Những ngày cùng chung sống trên nhà giàn, tôi được biết, Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng - người chỉ huy rất “bản lĩnh”. Anh sinh năm 1968, quê lúa Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, thi và vào học tại Trường Sỹ quan Lục quân với số điểm cao nhất.
Ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và tình nguyện ra nhà giàn công tác, dẫu biết rằng nơi ấy khó khăn gian khổ, nhưng anh ấy sẵn sàng vượt qua. Anh hy sinh rạng sáng ngày 13/12/1998, khi tuổi đời vừa tròn 30 tuổi, độ tuổi sung mãn nhất của đời người, còn rất nhiều việc phải làm”.
Sau tròn 15 năm hy sinh anh dũng ở vùng biển phía Nam của Tổ quốc, xét thành tích và sự hy sinh dũng cảm của anh trong khi làm nhiệm vụ, ngày 13/12/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2364/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sỹ, Đại úy Vũ Quang Chương.
Cũng trong trận bão năm ấy, tôi biết còn nhiều đồng chí rất dũng cảm. Tốp chúng tôi phải đối mặt với gió bão lênh đênh trên biển cả nhiều giờ đồng hồ, nhưng không ai kêu ca phàn nàn, có những đồng chí cả ngày bụng đói cồn cào, nhưng vẫn sẵn sàng nhường lương khô, mỳ tôm cho nhau, họ xác định nếu có hy sinh thì cũng sẵn sàng hy sinh cho biển, hy sinh cho Tổ quốc, tất cả là vì sự bình yên của biển.
Tuy nhiên, không chỉ có những tấm gương mà tôi vừa kể trên. Làm nhiệm vụ trên vùng biển thân yêu này còn rất nhiều tấm gương dũng cảm khác nữa. Điển hình như tấm gương của Thiếu úy Đinh Văn Nam, dũng cảm cứu tàu mắc cạn. Và mới đây là tấm gương Đại úy Dương Văn Bắc… Còn rất nhiều tấm gương khác mà chúng tôi không thể thống kê hết được.
Mỗi đồng chí hy sinh trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, chúng tôi hiểu, đằng sau những sự hy sinh của người lính biển chính là quê hương thân yêu nghĩa nặng tình sâu. Sự hý sinh quên mình của các anh như một lời khẳng định người lính biển, trong bất cứ hoàn cảnh nào các anh luôn sẵn vì Tổ quốc, sẵn sàng đổi sức lực, trí tuệ, mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả mạng sống của mình vì sự bình yên của biển, đảo thân yêu.
Xin cảm ơn các anh đã cho chúng tôi hiểu cuộc sống không chỉ có hưởng thụ, mà phải biết hy sinh quên mình vì lý tưởng, để biển trời Tổ quốc mãi mãi bình yên và biển xanh luôn khắc tên anh.
Thanh Hải (TH&CL)