THCL - Tại sao không bắt sống kẻ bắn chết Đại sứ Nga Andrei Karlov? Tại sao F-16 đột nhiên xuất trận? Đó là những điểm bất thường sau cái chết của ông Karlov.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/12 đưa tin, các công tố viên nước này đang mở cuộc điều tra về cái chết của Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, kẻ thực hiện vụ ám sát ông Karlov.

Theo hãng thông tấn Anadolu, các công tố viên thắc mắc tại sao lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ lúc xông vào phòng triển lãm nghệ thuật ở thủ đô Ankara không bắt sống Altintas mà lại bắn chết hắn.

 

Biểu hiện bất thường của Thổ trong vụ bắn Đại sứ Nga - Hình 1

Altintas sau khi bắn chết Đại sứ Karlov

Kết luận ban đầu cho thấy do thủ phạm chống trả kịch liệt, vừa nổ súng về phía đặc nhiệm vừa hét: ''Các ngươi không bắt sống được ta đâu''. Các nhân viên an ninh sau đó bắn vào chân Altintas nhưng tên này tiếp tục nổ súng khi trườn trên sàn nhà, buộc họ phải tiêu diệt mục tiêu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng bảo vệ hành động của lực lượng đặc nhiệm. Ông cho biết: ''Có một số suy đoán về lý do tại sao hắn (Altintas) không bị bắt sống. Hãy nhìn những gì đã xảy ra ở Besiktas khi họ (cảnh sát) cố gắng bắt giữ một kẻ tấn công đang còn sống''.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lấy ví dụ vụ đánh bom kép bên ngoài sân vận động của đội bóng Besiktas ở TP Istanbul trong tháng này. Tổng cộng 40 người, hầu hết là cảnh sát, đã thiệt mạng và hơn 150 người bị thương sau vụ đánh bom kép này.

Một điểm đáng lưu ý khác đó là,  ngay sau vụ ám sát Đại sứ Nga tại Ankara xảy ra, dàn chiến đấu cơ gồm 12 chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã cất cánh từ căn cứ không quân Eskisehir trong một động thái nhằm phô trương sức mạnh quân sự.

Một nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, 6 cặp chiến đấu cơ F-16 đã bay khỏi căn cứ không quân Eskisehir vào khoảng 19h30 (theo giờ địa phương) ngày 20/12 kèm theo một tiếng nổ lớn.

Dàn chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ được điều động chỉ một ngày sau vụ Đại sứ Nga Andrei Karlov bị bắn chết khi tham dự lễ khai mạc của một triển lãm tranh ngày 19/12.

Giới quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ điều động dàn chiến đấu cơ F-16 vào thời điểm này là nhằm mục đích thị uy sức mạnh quân sự với Nga. Điều này có thể khiến mối quan hệ giữa Moscow và Ankara trở nên căng thẳng.

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao Thổ phải lên gân với Nga vào đúng thời điểm Đại sứ Karlov bị ám sát? Phải chăng đằng sau nó là một âm mưu kinh hoàng mà chỉ người trong cuộc mới nắm rõ.

Sát thủ Mevlut Mert Altintas là một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn hạ ngay sau đó tại hiện trường. Moscow đã phản ứng giận dữ trước vụ việc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc, vụ ám sát là một "hành động khủng bố". 

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cũng nhấn mạnh rằng, vụ ám sát ông Karlov là một "hành động khiêu khích nhằm mục đích phá hủy quan hệ Nga-Thổ và tiến trình hòa bình tại Syria".

Ngoài ra, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố sẽ trả thù hung thủ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã giải thích với phía Nga rằng, vụ ám sát đại sứ Andrei Karlov là do giáo sĩ Fethullah Gulen, kẻ thù của chính phủ Tổng thống Recep Yayyip Erdogan, đang sống ở Mỹ, đứng đằng sau giật dây.

Theo yêu cầu từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, một nhóm điều tra chung Nga – Thổ vừa được thành lập. Nhóm của Nga gồm 18 cán bộ, trong đó có 1 công tố viên và 2 tùy viên quốc phòng.

Điện Kremlin ngày 21/12 cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói ai đứng đằng sau vụ ám sát. Sự cố này là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ.

Văn Tuấn - Baodatviet