Trao đổi với phóng viên Thương hiệu & Công luận, ông Võ Mai Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) của các DN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu, tăng cao, tình hình xung đột ở Ukraina… Trong bối cảnh khó khăn trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Sở Công Thương tỉnh đã đề ra những giải pháp và tận dụng linh hoạt các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường hỗ trợ các DN trên địa bàn củng cố, sắp xếp lại tổ chức, dây chuyền sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Kết quả, trong tháng 04/2022, Chỉ số IIP của tỉnh Bình Định tăng 8,48% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành CN chế biến, chế tạo tăng 8,62%; CN sản xuất và phân phối điện tăng gần 19%; CN cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,23%. Tính chung 04 tháng đầu năm 2022, Chỉ số IIP của Bình Định tăng 7,21% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành CN chế biến, chế tạo tăng 7,1%; CN sản xuất và phân phối điện tăng 17,72%; CN cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,4%.
Đáng lưu ý, toàn tỉnh có 08 ngành có Chỉ số IIP tăng cao hơn chỉ số chung, như: Ngành chế biến thực phẩm (tăng gần 12%); Sản xuất đồ uống (tăng gần 13,4%); Ngành sản xuất trang phục (tăng 4,10%); Sản xuất thuốc (tăng trên 19,3%); Ngành chế biến giường, tủ, bàn, ghế (tăng 14,14%)…/.
Viết Hiền