Thông tin từ UBND tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh này đã giao Ban Quản lý dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát toàn diện kết cấu công trình ô chôn lấp A4; nhất là các lớp lót chống thấm, hệ thống thu gom, thoát nước mưa và nước thải.
Mục đích là “để khắc phục các vấn đề tồn tại, đảm bảo ngăn chặn triệt để tình trạng rò rỉ nước rỉ rác từ ô A4 ra ngoài môi trường”.
UBND TP. Quy Nhơn được yêu cầu chỉ đạo Công ty cổ phần Môi trường Bình Định (đơn vị vận hành) khẩn trương rà soát, thực hiện công tác vận hành ô chôn lấp A4 đúng theo quy trình kỹ thuật; thực hiện công tác đóng cửa ô chôn lấp A2; vận hành thường xuyên và đồng bộ hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 400 m3/ngày.
“Tuyệt đối không để tình trạng rò rỉ nước rỉ rác chưa được xử lý đảm bảo ra ngoài môi trường và quản lý chặt chẽ số liệu quan trắc các thông số môi trường của nước thải sau xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung của Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ”, nội dung ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Cùng với việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Bình Định cũng giao UBND TP. Quy Nhơn thực hiện công tác khảo sát, xác định thiệt hại do rò rỉ nước rỉ rác của Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ ra ngoài môi trường ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân thôn Thanh Long và khu vực dân cư thuộc xã Phước Mỹ; báo cáo UBND tỉnh việc giải quyết yêu cầu bồi thường của người dân theo quy định.
Ngoài ra, UBND TP. Quy Nhơn thực hiện kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng đổ thải bột đá và tập kết phế liệu trái phép tại khu vực phía Tây Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, nguy cơ khai thác đất trái phép tại khu vực quy hoạch ô A5 và A6 của Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ.
Dự án có diện tích hơn 10 ha, được thực hiện tại lô A5 và A6 của Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ (được điều chỉnh quy hoạch chức năng chôn lấp chất thải sang cơ sở xử lý chất thải rắn). Dự án có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Hà Trần (t/h)