Lễ khánh thành công trình Biểu tượng “Từ trái tim đến trái tim” do Ban Liên lạc Cựu giáo sinh Sư phạm Quy Nhơn (SPQN) phối hợp với Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Trường Sư phạm Quy Nhơn (1962-2022).
Tham dự Lễ Lễ khánh thành công trình Biểu tượng có các ông, bà: Phó giáo sư – Tiến sĩ (PGS.TS) Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn; các nhà giáo Phan Thâm, Đàm Khánh Hưng (nguyên giảng viên Trường Sư phạm Quy Nhơn); nhà điêu khắc (NĐK) Phạm Văn Hạng; các ông Tràn Quang Ảnh, Lê Thanh Tiến (đại diện Ban tổ chức, Ban vận động xây dựng biểu tượng); cùng gần 250 đại biểu là cựu giáo sinh SPQN các thời kỳ…
Theo Ban Tổ chức, công trình Biểu tượng “Từ trái tim đến trái tim” do các cựu giáo sinh SPQN và Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp thực hiện nhân kỷ niệm 60 năm Trường SPQN (1962-2022). Công trình được xây dựng ngay trong khuôn viên Trường Đại học Quy Nhơn, nơi 60 năm trước từng là khu vực trung tâm của Trường SPQN. Tác giả của công trình Biểu tượng là NĐK Phạm Văn Hạng.
Theo đó, công trình Biểu tượng "Từ trái tim đến trái tim" cao 2,75 m, rộng 1,2 m, dài 1,8 m, bệ tượng cao 1,1 m, đường kính khu đặt tượng rộng 10,5 m. Công trình được làm bằng chất liệu đá hoa cương, kim loại, kết hợp với kính cường lực.
Theo NĐK Phạm Văn Hạng, công trình Biểu tượng có 13 cánh chim tượng trưng cho 13 khóa đào tạo từ khi thành lập (1962) đến khi trường đổi tên (1975). Đồng thời trên Biểu tượng còn có tấm bảng vinh danh Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – cựu giáo sinh khóa 1 của Trường SPQN (năm 1962). Dưới chân tượng, NĐK Phạm Văn Hạng còn cho rải sỏi để thể hiện câu hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn: "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau"…
Ngoài ra, xung quanh công trình Biểu tượng là các dãy nhà, lớp học, nhà lưu niệm và hội trường, có đặt nhiều ghế đá và trang trí đèn để tạo thành một nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa cho sinh viên, hứa hẹn thành một điểm du lịch mới cho du khách.
Phát biểu tại Lễ khánh thành công trình, PGS-TS Đỗ Ngọc Mỹ ghi nhận và đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của Biểu tượng “Từ trái tim đến trái tim” và tam tư, tình cảm của các thế hệ giáo sinh, sinh viên Trường SPQN, Đại học SPQN và nay là Đại học Quy Nhơn. Đồng thời, ông Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn khẳng định: Công trình Biểu tượng không chỉ là một công trình kỷ niệm, mà còn là một công trình văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống đối với các thế hệ giáo sinh, sinh viên.
Viết Hiền