Tham dự Lễ huý kỵ lần thứ 390 Thái sư Hoằng Quốc công Đào Duy Từ có các vị: Đào Duy Lộc, Thập tứ hậu duệ - Tộc trưởng họ Đào Duy; Phạm Hồng Sơn, Trưởng ban Ban Tư pháp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định; đại diện chính quyền địa phương; đại diện một số tộc họ; cùng đông đảo con cháu họ Đào trong tỉnh Bình Định và các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh…

Quang cảnh Lễ huý kỵ. Ảnh: Viết Hiền
Quang cảnh Lễ huý kỵ. Ảnh: Viết Hiền

Theo Ban Tổ chức Lễ huý kỵ cho biết: Thái sư Hoằng Quốc công Đào Duy Từ sinh năm 1572 tại xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh GiaThanh Hóa (nay là phường Nguyên Bìnhthị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Thân phụ của ông là cụ Đào Tá Hán, một xướng hát chuyên nghiệp.

Ngay từ thuở thiếu thời, Đào Duy Từ đã bộc lộ tư chất của một người thông minh. Tuy vậy, do bị liệt vào hạng “xướng ca vô loài” nên Đào Duy Từ không được đi thi. Mặc dù vậy, Đào Duy Từ vẫn quyết chí “thay họ, đổi tên thành Vũ Duy Từ để “lều chõng” đi thi… Khoa thi Hương năm Quý Tị (1593), Duy Từ thi đậu Á Nguyên, nhưng bị viên xã trưởng Lưu Minh Phương tố cáo, hãm hại. Vụ việc bại lộ, Duy Từ bị xóa tên, đánh tuột Á Nguyên, lột mũ áo và đuổi về. Hung tin này khiến mẫu thân Đào Duy Từ tự vẫn…

Cận cảnh buổi lễ. Ảnh: V.H
Cận cảnh buổi lễ. Ảnh: V.H

Trước tình cảnh trên, Đào Duy Từ quyết định đi vào Đàng Trong để lập thân, lập nghiệp. Ban đầu, Đào Duy Từ xin làm chăn trâu cho một phú ông họ Lê ở thôn Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn (nay là thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Tại đây, Đào Duy Từ thường ngâm bài "Ngọa Long cương vãn" để tự sánh mình với Gia Cát Lượng. Khám lý phủ Hoài Nhơn Trần Đức Hoà đọc bài thơ, biết Đào Duy Từ là người có chí lớn liền cho gọi Duy Từ đến và tiến cử lên Chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên. 

Chúa sãi lấy làm mừng, liền họp bàn đình thần phong cho Đào Duy Từ làm Nha úy Nội Tán, tước Lộc Khuê Hầu, trông coi việc quân cơ ở trong và ở ngoài, tham lý quốc chính. Từ đấy Đào Duy Từ trở thành quân sư của Chúa sãi và là danh nhân xuất chúng trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, văn hoá, nghệ thuật; góp phần quan trọng định hình được nhà nước, địa lý và bản sắc Đàng Trong. 

Theo đó, về quân sự, Đào Duy Từ là công trình sư của các công trình: Lũy Trường Dục; Luỹ Thầy. Lũy Thầy dài 18 km bắt đầu từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông Hải. Lũy Thầy và Lũy Trường Dục là hai chiến lũy quan trọng, giúp Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và các chúa Nguyễn về sau có thể phòng thủ hiệu quả trước các cuộc tiến công của các chúa Trịnh trong một thời gian dài.

Cổng chính Đền thờ Đào Duy Từ. Ảnh: Viết Hiền
Cổng chính Đền thờ Đào Duy Từ. Ảnh: Viết Hiền

Đồng thời, Đào Duy Từ cũng là tác giả của bộ binh thư yếu lược “Hổ trướng khu cơ”. Đây là cuốn binh pháp viết về nghệ thuật quân sự đặc sắc bậc nhất của Việt Nam còn nguyên vẹn và được lưu truyền cho đến ngày nay. Khác hẳn với nhiều cuốn binh pháp chỉ mang đậm lý thuyết, Hổ trướng khu cơ được biên soạn thiên về mặt thực hành và được viết theo quan điểm cổ truyền của thuyết Tam tài “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”. Sách gồm 3 tập: Tập thiên, Tập địa, Tập nhân, trong đó đề cập nhiều vấn đề cơ bản của truyền thống quân sự, nhất là phương pháp, kỹ chiến thuật đánh trận và kỹ thuật chế tạo binh khí… 

Về văn hoá, nghệ thuật, Đào Duy Từ có "Tư Dung Vãn" (ca ngợi cửa biển Tư Hiền ở Thừa Thiên). Tập sách viết bằng chữ Nôm theo thể văn vần được các nhà nghiên cứu đánh giá cao xếp hàng đầu trong những tác phẩm văn học viết của nền văn học Đàng Trong.

Đặc biệt, Đào Duy Từ được suy tôn là Ông Tổ Hát bội (Tuồng), với các tác phẩm   "Nhã nhạc cung đình Huế", "vũ khúc”, tuồng cổ Sơn Hậu"…

Ngày 7/12/1634 (nhằm ngày 17/10 năm Giáp Tuất), Đào Duy Từ lâm bệnh nặng rồi mất. Chúa Nguyễn cho táng ngài tại Tùng Châu – Hoài Nhơn và phong làm "Hiệp mưu Đồng đức Công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu". Đến năm thứ 5 đời Vua Gia Long (1806) thì tùng tự ở Thái Miếu và đến thời Vua Minh Mệnh thì được truy phong “Hoằng Quốc Công”…

Bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hoá” đối với Đền thờ Đào Duy Từ ghi nhầm địa chỉ. Ảnh: V.H.
Bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hoá” đối với Đền thờ Đào Duy Từ ghi nhầm địa chỉ. Ảnh: V.H.

Theo Tộc trưởng Đào Duy Lộc cho biết: Thời gian qua, do sự tắc trách của cơ quan chức năng nên đã xảy ra sự nhầm lẫn về việc công nhận Đền thờ Đào Duy Từ “Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia”. Theo đó, năm 1634, Đền thờ Đào Duy Từ được Chúa Sãi cho xây dựng tại thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, thị xã Hoài Nhơn. Tháng 10/1994, Đền thờ Đào Duy Từ được cấp Bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hoá”. Tuy nhiên, Bằng công nhận ghi nhầm địa chỉ Đền thờ là “xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định”. Việc nhầm lẫn này cần được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chấn chỉnh.

Cũng theo Tộc trưởng Đào Duy Lộc, Lễ huý kỵ lần thứ 390 Thái sư Hoằng Quốc công Đào Duy Từ được tổ chức theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, gồm: Lễ rước, đón kiệu Thái sư  Hoằng Quốc công; Biểu diễn lân – sư – rồng; Đọc văn tế; Lễ dâng hương…

Một số tiết mục Hát bội trich đoạn vở diễn của Đào Duy Từ. Ảnh: Viết Hiền
Một số tiết mục Hát bội trich đoạn vở diễn của Đào Duy Từ. Ảnh: Viết Hiền

Đặc biệt, lần đầu tiên Lễ huý kỵ Cụ Đào, Ban tổ chức đã mời các nghệ sĩ Bình Định trình diễn trích đoạn một số vở Hát bội của Đào Duy Từ, trong đó có vở “Sơn Hậu”…  

Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •  
  •