Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Tham dự Hội nghị có các vị: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Văn Phi, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Huỳnh Thúy Vân, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Hải Giang, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh…
Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, 11 huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các Hiệp hội ngành nghề; đại diện NHNN, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Thay mặt UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Tuấn Thanh đã trình bày Báo cáo “Kết quả triển khai Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 và giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024”.
Báo cáo cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, cộng đồng DN và nhân dân, tình hình KT-XH năm 2023 tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Theo đó, 18/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH đạt và vượt kế hoạch so với kế hoạch HĐND tỉnh giao. Trong đó, đáng chú ý, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61%, vượt so với kế hoạch (7 - 7,5%), xếp thứ 17/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ và thứ 1/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt 117.668,8 tỷ đồng, xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ và thứ 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 26,38%, công nghiệp và xây dựng chiếm 30,39%, dịch vụ chiếm 38,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,33%. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn…
Về phương hướng,nhiệm vụ năm 2024, UBND tỉnh Bình Định xác định: Sẽ nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2024 với mức tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8%. Đồng thời, để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra 08 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có một số giải pháp trọng tâm, gồm:
Tiếp tục đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ sở. Tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, thực hiện đạo đức công vụ.
Duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; phát huy các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân…
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU). Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và các giải pháp phát triển nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bền vững, hiệu quả. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản…
Chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN; kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng; theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ thực hiện nhanh các dự án công nghiệp, thương mại, năng lượng tái tạo. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài…
Đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và phát triển thị trường khách du lịch đến tỉnh, nhất là khách du lịch quốc tế;...
Đẩy mạnh thu ngân sách, huy động vốn cho đầu tư phát triển; tăng cường chỉ đạo, điều hành dự toán ngân sách năm 2024 bằng các biện pháp khai thác tốt các nguồn thu, nhất là thu tiền sử dụng đất, kích thích tạo nguồn thu mới, chống thất thu, nợ đọng thuế. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,...
Nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội; chuẩn bị chu đáo nội dung, các điều kiện có liên quan để tổ chức các sự kiện, chương trình, lễ hội năm 2024. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và bảo đảm an sinh xã hội…
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe báo cáo tham luận của lãnh đạo một số sở, ngành (Công Thương, Lao động – TB&XH…), UBND huyện, thị xã, thành phố (Vân Canh, Tây Sơn, Quy Nhơn…)… Trong đó, báo cáo của Sở Công Thương là một trong những báo cáo được Hội nghị quan tâm.
Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ngành, UBND các huyện, thì xã, thành phố trong tỉnh. Ông Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho biết: Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn song Bình Định vẫn vươn lên xếp thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Đây là thành tích đáng tự hào.
Tuy nhiên, ông Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu y: Các sở, ngành, UBND các huyện, thì xã, thành phố không nên “say sưa trên chiến thắng”, mà phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa. Nếu, các địa phương, đơn vị, cơ quan không quyết tâm cao, nỗ lực lớn thì khả năng “trụ hạng tốp đầu” sẽ khó khăn.
Hiện quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, định hình cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Vì thế, tất cả đều phải hành động, các cấp, ngành, địa phương, người dân trong tỉnh đều chung tay xây dựng Bình Định trở thành địa chỉ hấp dẫn, để khi nhắc đến Bình Định ai cũng muốn tới. Muốn như thế, cần phải xây dựng, hoàn thiện tốt cơ sở hạ tầng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được yêu cầu. Từng cấp, ngành, địa phương phải suy nghĩ để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng vùng, địa phương; đặc biệt là định hình rõ, xác định cụ thể việc phát triển chứ không nói chung chung...
Đồng thời, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Cơ sở quan trọng nhất để thúc đẩy KT-XH phát triển vẫn là yếu tố con người. Do đó, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu thách thức, dám tìm ra cái mới để làm. Mỗi việc làm đều phải hướng đến hạnh phúc, lợi ích cho người dân. Nếu quyết tâm đoàn kết, nhất trí, quyết liệt trong công việc, dám dấn thân vào khó khăn, thách thức để làm thì chắc chắn Bình Định sẽ đạt nhiều thành quả trong thời gian tới, xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, qua đó phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn cho biết: Để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra, ngoài 21 chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã bổ sung 11 chỉ tiêu phấn đấu thực hiện đối với cấp tỉnh và giao chi tiết 17 chỉ tiêu kế hoạch đến cấp huyện. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể để thực hiện thống nhất việc chỉ đạo, điều hành bằng hệ thống chỉ tiêu, số liệu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Đáng lưu y, nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024 mà Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nỗ lực hơn nữa, chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy tính năng động, tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt với tinh thần “bứt phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” để triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2024, trong đó ưu tiên một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Tiếp tục đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành theo phương châm: “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, địa phương, cơ sở; làm việc cụ thể, thực chất, chủ động theo sát cơ sở; ưu tiên dành thời gian tập trung nghiên cứu đổi mới, đề xuất ý tưởng sáng tạo phát triển KTXH và tập trung giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.
Toàn bộ hệ thống chính quyền phải chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất phát triển kinh tế trong khuôn khổ quy định pháp luật; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ để người dân chuyển đổi phương thức sản xuất mới, hiệu quả để vươn lên làm giàu bền vững.
Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã bằng hệ thống các chỉ số, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được lượng hóa, có liên thông, liên kết theo từng tháng, từng quý, 6 tháng và cả năm; trong đó phải chủ động, linh hoạt kịp thời đề ra các giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình thực tiễn, với những vướng mắc, khó khăn để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chung của ngành, địa phương
Từng sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung rà soát kỹ, tìm ra điểm nghẽn, nút thắt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết công việc được giao (không để tỉnh ta đi trước, triển khai trước nhưng về sau so các địa phương khác); ưu tiên tập trung giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thấu tình đạt lý theo quy định.
Tập trung triển khai thực hiện kịp thời, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ công tác trọng tâm, xuyên suốt như: Công tác vệ sinh môi trường; quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm; giải ngân vốn đầu tư công; thu ngân sách; thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp; chuyển đổi số và truyền thông chính sách...
Tập trung thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, phấn đấu có sự thay đổi căn bản trong công tác chuyển đổi số từ tỉnh đến cấp huyện, xã.
Đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động, kịp thời trong công tác tham mưu đề xuất UBND tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư.
Tập trung thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, thực thi công vụ, đạo đức công vụ; chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ công chức đối với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; tiếp tục nghiên cứu rà soát rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…
Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững…
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển KT-XH năm 2024, lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bình Định đã tiến hành trao quyết định giao chỉ tiêu KT-XH và giao ước thi đua năm 2024 cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo đó, có 35 cơ quan, đơn vị, địa phương được trao quyết định giao chỉ tiêu KT-XH và giao ước thi đua năm 2024, bao gồm: 24 cơ quan khối các sở, ban, ngành của tỉnh; 11 huyện, thị xã, thành phố…/.
Viết Hiền