Với mục tiêu phát triển tiềm năng du lịch vốn có, từ năm 2016  tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn. Theo quy hoạch này, đất được quy hoạch xây dựng công trình dịch vụ du lịch có tổng diện tích 30,34ha. Nhiều điểm du lịch trên biển được quy hoạch cụ thể, không gian ven biển và cảnh quan cũng được bố trí khoa học…

Đến cuối năm 2019, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục có quyết định điều chỉnh, bổ sung cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn. Theo đó, một số khách sạn được đầu tư khá bài bản được điều chỉnh quy hoạch trở thành công viên cảnh quan.

Trong đó, khách sạn Hải Âu, khách sạn Hoàng Yến phải giải tỏa, di dời chậm nhất đến hết thời hạn thuê đất của từng dự án để tạo không gian công cộng, sinh hoạt cộng đồng, không bị che khuất tầm nhìn toàn tuyến công viên ven biển; khách sạn Bình Dương di dời theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt… Điều chỉnh chức năng sử dụng đất 3 khách sạn ven biển (khách sạn Hải Âu, Hoàng Yên và Bình Dương) thành đất công viên công cộng phục vụ sinh hoạt cộng đồng…

Bên cạnh đó, nhiều khu đất có nguồn gốc do nhà nước quản lý, được sử dụng vào các mục đích khác nhau cũng được UBND tỉnh Bình Định quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất dịch vụ du lịch.

Khu đất Bệnh xá K200 tại TP Quy Nhơn đang được thông báo đấu giá với giá khởi điểm là hơn 218 tỷ đồng.Khu đất Bệnh xá K200 tại TP. Quy Nhơn được thông báo đấu giá, với giá khởi điểm là hơn 218 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với khu đất 2 mặt tiền đường (1 mặt nằm sát biển trên đường An Dương Vương, 1 nằm trên đường Nguyễn Trung Tín), rộng khoảng hơn 10.000m2 của Bệnh xá K200 được quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất dịch vụ du lịch.

Được biết, Bệnh xá K200 trước đây thuộc quản lý của Quân khu 5. Năm 2017, khu đất này được UBND tỉnh Bình Định cấp chủ trương đầu tư cho Liên danh của một số nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng. Sau đó, dự án bị thu hồi do nhà đầu tư không đủ năng lực.

Và mới đây, khu đất Bệnh xá K200 được Sở Tư pháp tỉnh Bình Định thông báo đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Thông báo này dựa trên Quyết định số 2056/QĐ-UBND ngày 28/5/2020 của UBND tỉnh Bình Định.

Mục đích sử dụng đất để xây dựng Khu khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại dịch vụ. Khu đất được Nhà nước cho thuê đất trả tiền 01 lần cho cả thời gian thuê theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất với giá khởi điểm là hơn 218 tỷ đồng và. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm.

Một khu “đất vàng” khác cũng vừa được UBND tỉnh Bình Định tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thành công. Đó là khu đất rộng hơn 5.200m2 tại số 1 đường Ngô Mây, TP. Quy Nhơn. Đơn vị trúng đấu giá là Liên doanh giữa Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt và đối tác với số tiền hơn 126 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, mục đích sử dụng đất tại khu đất nói trên là xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp (5 sao). Nhà nước cho thuê đất trả tiền 1 lần theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, thời gian thuê đất 50 năm…

Khu đất Dự án I-Tower Quy Nhơn do Công ty Đô Thành làm chủ đầu tư trên đường Lê Duẩn, TP. Quy NhơnKhu đất Dự án I-Tower Quy Nhơn trên đường Lê Duẩn, TP. Quy Nhơn

Ngoài ra, khu đất rộng hơn 10.000m2 nằm trên đường Lê Duẩn, TP. Quy Nhơn cũng được tỉnh Bình Định giao cho doanh nghiệp.

Trước đây, khu đất rộng hơn 10.000m2 nằm trên đường Lê Duẩn, TP. Quy Nhơn đã được UBND tỉnh Bình Định giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn Phú Gia thực hiện dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Cao ốc văn phòng Sài Gòn Phú Gia. Tuy nhiên, do nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án theo quy định nên đã bị thu hồi.

Đầu năm 2015, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Quốc tế triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Dự án Khu Thương mại - chung cư.

Ngay sau đó, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho thay đổi chủ đầu tư dự án từ Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Quốc tế, sang Công ty CP Đầu tư Phát triển bất động sản Đô Thành.

Sau đó, Công ty CP Đầu tư Phát triển bất động sản Đô Thành đã đổi tên dự án thành dự án Trung tâm Thương mại và Căn hộ I-Tower Quy Nhơn (gọi tắt là dự án I-Tower Quy Nhơn).

Dự án có quy mô dự án gồm 41 tầng nổi, 2 tầng hầm, tổng số căn hộ là hơn 1.350 căn… Hiện, chủ đầu tư đang tiến hành thi công xây dựng phần móng.

Theo dư luận nơi đây, ngoài khu đất dự án I-Tower Quy Nhơn, thì khu đất rộng 2600m2 của nhà khách Thành ủy Quy Nhơn cũng sắp được giao cho một doanh nghiệp để thực hiện dự án…

Trước đó, liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất đai tại Bình Định, năm 2019, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực III đã có báo cáo về việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại tỉnh Bình Định.

Theo kết quả kiểm toán, trong 16 doanh nghiệp quản lý, sử dụng đất thì có 4 doanh nghiệp không xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, có 3 doanh nghiệp CPH xây dựng phương án đối với 55 thửa đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 59 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Theo KTNN, 49/55 thửa đất (223,3 nghìn m2) làm công trình cấp nước của Công ty CP cấp thoát nước Bình Định phê duyệt phương án giao đất không thu tiền sử dụng đất không làm ảnh hưởng tới nghĩa vụ tài chính về đất đai với ngân sách Nhà nước do các đối tượng này thuộc diện được miễn tiền thuê đất.

Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình xây dựng phương án sử đụng đất đối với thửa đất tại số 2 Phó Đức Chính (phường Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn), nhưng chia thành 5 khu chức năng khi chưa có phê duyệt quy hoạch chi tiết của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt phương án sử dụng đất của 3 doanh nghiệp CPH chậm so với quy định, bao gồm: Xí nghiệp thực phẩm Quy Nhơn, Công ty CP Cấp nước Bình Định, Công ty CP đường sắt Nghĩa Bình.

Về tình hình giao đất, cho thuê đất sau khi chuyển sang công ty cổ phần, có 16/18 doanh nghiệp CPH được giao quản lý, sử dụng 107 thửa đất với tổng diện tích trên 8 triệu m2. Trong đó, có 14 thửa đất chưa được ban hành quyết định giao đất, thuê đất.

Đáng chú ý, có trường hợp Công ty CP Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn được UBND tỉnh Bình Định giới thiệu địa điểm để chuẩn bị đầu tư xây dựng xưởng cơ khí, nhà để xe kho bãi vật liệu. Tuy nhiên, công ty này tự ý đầu tư tài sản trên thửa đất này khi chưa được giao đất, ký hợp đồng thuê đất.

“Sau đó, năm 2017, UBND tỉnh thu hồi chủ trương giao đất, UBND TP. Quy Nhơn đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với tài sản trên đất và đã sử dụng ngân sách Nhà nước chi trả hơn 3,4 tỷ đồng cho công ty là chưa có căn cứ”, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho hay.

Ngoài ra, KTNN còn nhận thấy một số tồn tại như: Có 62 thửa đất (hơn 343,2 nghìn m2) Sở TN&MT Bình Định chưa kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất, ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

PV