Tham dự Hội nghị ngành Công Thương Bình Địnhtổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 có các ông: Nguyễn Tự Công Hoàng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Ngô Văn Tổng, Bí thư Đảng uỷ, Giam đốc Sở Công Thương Bình Định; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Hiệp hội ngành nghề; UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh…
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bình Định trình bày tại Hội nghị cho biết: Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhất là “dư âm” của đại dịch Covid-19, cùng với tác động của cuộc chiến Nga – Ucraina và tình hình lạm phát ở nhiều quốc gia, song hoạt động của ngành Công Thương Bình Định vẫn cơ bản giữ được ổn định và đạt được những kết quả khả quan…
Theo đó, 2022 là năm đầu tiên ngành Công Thương Bình Định vượt mức tất cả 03 chỉ tiêu của Ngành trong nhiệm kỳ 2021 – 2025. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) tăng 7,05% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,16%, đạt 102,9% kế hoạch năm; Kim ngạch xuất khẩu tăng 9,3%, đạt 114,8% kế hoạch năm.
Những kết quả của ngành Công Thương tỉnh đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GRDP năm 2022 của toàn tỉnh Bình Định đạt 8,57%, trong đó: Công nghiệp – Xây dựng tăng 8,55%, đưa tỷ trọng Công nghiệp – Xây dựng trong cơ cấu GRDP năm 2022 của tỉnh chiếm 30,05%.
Về phương hướng, nhiệm vụ của ngành Công Thương Bình Định năm 2023, Hội nghị xác định: Phấn đấu đạt Chỉ số SXCN tăng từ 7,5-7,7% so với năm 2022; Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 12%; Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 1.600 triệu USD.
Đồng thời, nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, Sở Công Thương Bình Định cũng đề ra một số nhiệm vụ giải pháp, như: Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi các nhà máy sản xuất đang hoạt động, cũng như các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng sớm đi vào hoạt động sản xuất, tạo ra giá trị mới, phát huy giá trị SXCN; tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi các nhà máy đang hoạt động, các nhà máy mới hoàn thành đi vào hoạt động trong năm 2022 và các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng dự kiến đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2023… phát huy giá trị sản xuất hiện có, tạo ra giá trị sản xuất gia tăng mới đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại, đặc biệt là triển khai có hiệu quả các quy hoạch về hạ tầng thương mại đảm bảo cơ hội phát triển của các doanh nghiệp thương mại và lợi ích của người tiêu dùng; tổ chức, quản lý tốt các kênh lưu thông hàng hóa; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp, tham gia cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến Hiệp định FTA (Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA,...) cho các doanh nghiệp; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính của Sở Công Thương, trọng tâm là công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tạo điều kiện thuận lợi cho cho DN, các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính trên lĩnh vực công nghiệp và thương mại...
Phát biểu tại Hội nghị ngành Công Thương Bình Địnhtổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, thay mặt UBND tỉnh, ông Nguyễn Tự Công Hoàng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó và thành tích mà ngành Công Thương Bình Định đạt được trong năm 2022.
Về phương hướng, nhiệm vụ của ngành Công Thương Bình Định trong năm 2023, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Ngành Công Thương Bình Định cần nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2022, tập trung theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Đồng thời ông Nguyễn Tự Công Hoàng lưu ý: Ngành Ngành Công Thương tỉnh cần thay đổi quan điểm, cách thức làm việc theo tinh thần “lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”, đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành theo phương châm “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển công nghiệp – thương mại; tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các dự án xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động đúng tiến độ đề ra, tạo ra giá trị mới về SXCN trong năm 2023; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp củng cố, phát triển thị trường truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường, tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến Hiệp định FTA thế hệ mới…cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu: Ngành Công Thương Bình Định cần quan tâm quy hoạch chi tiết và xây dựng làng nghề gắn với phục vụ du lịch; Nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, quảng bá du lịch; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để mở rộng địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết, hợp tác phát triển; chú trọng phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành nghề trong việc chủ động tuyên truyền, phổ biến các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tại các thị trường trọng điểm, chính sách ưu đãi xuất nhập khẩu, dự báo chính xác tình hình cung - cầu, thông tin thị trường.../.
Viết Hiền