Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2023 và kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 do Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định tổ chức. 

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền.

Tham dự Hội nghị có các vị: Nguyễn Tuấn Thanh, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NNN&PTNT Bình Định; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở.

Thay mặt Ban Tổ chức, ôngTrần Văn Phúc đã trình bày Báo cáo Tổng kết nhiệm vụ năm 2023 và kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của ngành NN&PTNT Bình Định. Báo cáo cho biết: Năm 2023, trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, song cùng với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT đã phối hợp các Sở, ngành và địa phương chủ động, linh hoạt trong điều hành nên sản xuất nông nghiệp (SXNN) đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ngành Nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước tăng 3,17% trong đó, nông nghiệp (NN) tăng 4,19%, lâm nghiệp (LN) tăng 0,82%, thủy sản (TS) tăng 2,15%. 

Ông Trần Văn Phúc trình bày báo cáo. Ảnh: V.H
Ông Trần Văn Phúc trình bày báo cáo. Ảnh: V.H

Theo đó, về trồng trọt, ngành NN&PTNT tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2023, trong đó đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa, mía, sắn kém hiệu quả sang các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao với diện tích đạt 6.825 ha, đạt 258,2% so kế hoạch năm.

Về chăn nuôi, đã thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng vaccine và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên đã kiểm soát được dịch bệnh; giá lợn thịt, gà thịt duy trì ổn; số lượng đàn vật nuôi chủ lực và sản lượng thịt hơi xuất chuồng đều tăng so với năm 2022. Số lượng đàn vật nuôi chủ lực, trong đó đàn lợn đạt 686.236 con (tăng 4,8%); đàn gia cầm đạt 10.065 nghìn con (tăng 5,3%)…

Về thủy sản, đã triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) và các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ. Về nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh khoảng 4.544 ha tăng 15,4% so với cùng kỳ. Đáng lưu y, trong năm 2023, tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp mạnh, xử lý dứt điểm tồn tại, hạn chế, hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm để quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.

Kết quả, Đoàn thanh tra của EC đánh giá cao những nổ lực của tỉnh Bình Định về chống khai thác IUU và đề nghị địa phương cố gắng phát huy, duy trì trong thời gian tới nhằm tháo gỡ “thẻ vàng”…  Về lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng của Bình Định đạt 57,3% và đã chuyển hóa được 3.020 ha rừng trồng sản xuất cây gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ trên địa bàn tỉnh 13.330,98 ha…

Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Định đạt kết quả khả quan. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có 85/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 76,58%; có 17/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 20%; có 05/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, đạt tỷ lệ 45,45%...

Về phương hướng, nhiệm vụ của ngành NN&PTNT Bình Định trong năm 2024, ông Trần Văn Phúc cho biết: Bình Định phấn đấu đưa tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 3,2% - 3,6%. Cụ thể, về trồng trọt, phấn đấu đưa tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 696.212 tấn.

Về chăn nuôi, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhóm vật nuôi chủ lực của tỉnh, trong đó đàn bò đạt 318.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 44.500 tấn; đàn lợn 808.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 148.500 tấn; đàn gia cầm 11.000 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 32.000 tấn… Về lâm nghiệp, phấn đấu đưa diện tích trồng rừng tập trung đạt 8.500 ha; trong đó, trồng rừng gỗ lớn 2.000 ha. Về thủy sản, phấn đấu đưa sản lượng khai thác đạt 281.525 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 14.680 tấn…

Cũng theo ông Trần Văn Phúc, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ nói  trên, Sở NN&PTNT Bình Định đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp, như: Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 05 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã ban hành. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi năm 2024. Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, tạo điều kiện; đồng thời xúc tiến kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Bàn chủ tọa Hội nghị.
Bàn chủ tọa Hội nghị. (Ảnh: Viết Hiền)

Tiếp đó, Hội nghị đã nghe một số báo cáo tham luận của đại diện một số sở, ngành, UBND huyện, thị xã và đơn vị truwcjj thuộc Sở NN&PTNT Bình Định.Tiêu biểu trong số này là các tham luận: “Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của UBND thị xã Hoài Nhơn”; “Những kết quả nổi bật của hoạt động khuyến nông năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 trên địa bàn tỉnh” (của Trung tâm Khuyến nông Bình Định); “Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản cửa địa phương” (của UBND huyện Hoài Ân); “Công tác phối hợp giữa Sở Công Thương và Sở NN&PTNT trong việc tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; trưng bày, giới thiệu, triển lãm, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” (của Sở Công Thương) “Công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng và tuần tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh” (của UBND huyện Vĩnh Thạnh)…

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2023, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, thay mặt UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Tuấn Thanh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà ngành NN&PTNT Bình Định đạt được trong năm 2023. 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: V.H)

Ông Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Trong năm 2023, mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song ngành NN&PTNT Bình Định vẫn đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là một số công tác, như: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ; Công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người nông dân; Các chương trình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn; Công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; Công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; Hoạt động khai thác thủy sản...  

Đáng lưu y, qua đợt kiểm tra tình hình thực hiện về chống khai thác IUU tại Bình Định, Đoàn thanh tra của EC đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới cũng đạt được những kết quả quan trọng...

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị ngành NN&PTNT Bình Định cần triển khai thực hiện 08 giải pháp, trong đó có một số giải pháp trọng tâm, như:

- Tập trung xây dựng, trình ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch trong năm 2024 nhằm thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh...

- Duy trì phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm, thủy sản; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và triển khai sản xuất các vụ trong năm 2024 đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế nguồn nước, sử dụng cơ cấu cây trồng, vật nuôi chất lượng, hiệu quả; tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ và an toàn dịch bệnh; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn thực phẩm…

- Tiếp tục thực hiện các dự án trồng rừng theo kế hoạch. Khuyến khích trồng rừng kinh tế theo mô hình kinh doanh cây gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng và thường xuyên tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.

- Tăng cường hoạt động khai thác gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh phát triển các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; khuyến khích đầu tư mở rộng công suất các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU)…

- Đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xây dựng hoàn thành các tiêu chí còn lại ở các xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024…

- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, phát triển các làng nghề truyền thống, gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng; quảng bá, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh…

                                                                                                                                                                             Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •