Hội nghị “Tập huấn, tuyên truyên nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó sự cố tràn dầu (SCTD)” do Sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền

Tham dự Hội nghị có các vị: Trần Thúc Kham, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định; Lê Mạnh Tuấn, Giám đốc Dự án Trung tâm Ứng phó sự cố an toàn môi trường Việt Nam; Nguyễn Vũ Anh Thông, Phó giám đốc Trung tâm Ứng phó SCTD miền Trung; Hoàng Cộng Hòa, Trưởng Chi nhánh Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Trung tâm SOS Môi trường); đại biểu lãnh đạo một số sở, ngành chức năng tỉnh Bình Định; cùng hơn 150 đại biểu đến từ các cơ sở có hoạt động xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định…

Theo Ban tổ chức, mục đích của Hội nghị “Tập huấn, tuyên truyên nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó SCTD” là nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng, nhất là đại diện Lãnh đạo các cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu và những người trực tiếp triển khai thực hiện công tác ứng phó SCTD tại cơ sở về ứng phó SCTD; phổ biến các kiến thức cơ bản về SCTD; Tác hại do SCTD gây ra đối với con người và môi trường. Đồng thời, Hội nghị sẽ phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động ứng phó SCTD cho các cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật tạo cơ sở để tổ chức triển khai đồng bộ các quy định về ứng phó SCTS trên địa bàn tỉnh; Phổ biến, triển khai Kế hoạch Ứng phó SCTD trên địa bàn tỉnh Bình Định được UBND tỉnh ban hành tại Kế hoạch số 108/KH-UBND, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt tại Quyết định số 351/QĐ-UB đến các cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn các cơ sở trong việc đánh giá, nhận diện nguy cơ về SCTD và phương án phòng ngừa và ứng phó kịp thời, hiệu quả với các SCTD…

Ông Trần Thúc Kham phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: V.H
Ông Trần Thúc Kham phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: V.H

Phát biểu tại Hội nghị “Tập huấn, tuyên truyên nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó SCTD”, ông Trần Thúc Kham cho biết: Cùng với sự phát triển KT-XH, các hoạt động xăng, dầu ngày càng gia tăng. Trong khi đó, SCTD luôn là sự cố rủi ro thường trực tại các cơ sở hoạt động kinh doanh, tồn trữ xăng, dầu. SCTD, đặc biệt là các SCTD trên biển và các SCTD kèm theo cháy nổ, nếu xảy ra không những gây thiệt hại lớn về kinh tế, an toàn, an ninh mà còn tác động rất lớn đến môi trường, hệ sinh thái khu vực. Đồng thời, việc khắc phục hậu quả do SCTD rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, kinh phí. Từ đó, SCTD đã và đang trở thành mối quan tâm lớn đối với tất cả các cấp, các ngành và của cả cộng đồng…

Cũng theo ông Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định: Bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về ứng phó SCTD theo quy định pháp luật, thì việc nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý tại các cơ sở luôn là giải pháp đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, ứng phó hiệu quả các SCTD trên địa bàn tỉnh Bình Định. Vì vậy, Hội nghị “Nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó SCTD” hôm nay không chỉ giúp cho đại diện lãnh đạo các cơ sở có hoạt động xăng dầu trên địa bàn tỉnh nắm bắt, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục SCTD, góp phần nâng cao trong nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, ứng phó SCTD dầu, mà còn trang bị cho họ những kiến thức cơ bản, kỹ năng về dự báo các tình huống SCTD có thể xảy ra; tăng cường năng lực phòng ngừa, chủ động ứng phó các SCTD trong quá trình hoạt động. 

Các đại biểu nghe chuyên gia đến từ Trung tâm Ứng phó sự cố An toàn Môi trường Việt Nam truyền đạt một số nội dung chủ yếu về ứng phó SCTD. Ảnh: Viết Hiền
Các đại biểu nghe chuyên gia đến từ Trung tâm Ứng phó sự SCTD  miền trung. Ảnh: Viết Hiền

Đồng thời, Hội nghị còn là dịp để lãnh đạo các cơ sở và các chuyên gia trao đổi, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác ứng phó SCTD; đồng thời kết hợp với kiến thức của đội ngũ chuyên gia để nâng cao nhận thức, trau dồi các kỹ năng; phương pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc phòng ngừa, ứng phó SCTD tại cơ sở…

Tiếp đó, các đại biểu tham dự Hội nghị “Tập huấn, tuyên truyên nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó SCTD”, đại diện lãnh đạo các cơ sở có hoạt động xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được các chuyên gia đến từ Trung tâm Ứng phó sự cố An toàn Môi trường Việt Nam, truyền đạt, hướng dẫn một số nội dung chủ yếu về ứng phó SCTD.

Theo đó, Chương trình Hội nghị gồm có 4 chuyên đề: “Giới thiệu tổng quan về SCTD, nguyên nhân hậu quả của các SCTD” (Chuyên đề 1);  ‘Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động ứng phó SCTD” (Chuyên đề 2); “Phổ biến, triển khai Kế hoạch Ứng phó SCTD tỉnh Bình Định - Phương án triển khai Kế hoạch hiệu quả cho cấp cơ sở” (Chuyên đề 3); “Hướng dẫn đánh giá, nhận diện nguy cơ về SCTD trên địa bàn tỉnh” (Chuyên đề 4).

Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Bình Định được UBND tỉnh Bình Định ban hành tại Văn bản số 108/KH-UBND ngày 08/6/2024 và được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt tại Quyết định số 351/QĐ-UB ngày 13/6/2024. Kế hoạch gồm có 8 phần và 9 Phụ lục kèm theo. Kế hoạch gồm một số nội dung chủ yếu, như: Mục đích xây dựng Kế hoạch; Đánh giá tình hình; Lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh Bình Định; Các khu vực có nguy cơ cao về SCTD…

Chuyên gia Nguyễn Vũ Anh Thông giới thiệu về kinh nghiệm về thực trạng tình hình ứng phó SCTD. Ảnh: V.H
Chuyên gia Nguyễn Vũ Anh Thông giới thiệu về kinh nghiệm về thực trạng tình hình ứng phó SCTD. Ảnh: V.H

Cụ thể, về “Các khu vực có nguy cơ SCTD cao”, Kế hoạch cho biết: Trên biển: Cảng bến phao xuất, nhập xăng dầu; Các cảng biển; Cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão; Các khu vực có hoạt động kinh doanh xăng dầu trên mặt nước; Tuyến luồng hàng hải và hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển.  Trên sông, hồ: Khu vực Sông Tam Quan (bao gồm khu vực Cảng cá và khu neo đậu) có nguy cơ xảy ra SCTD lớn do đây là khu vực Cảng cá và Neo đậu tàu thuyền; Khu khu du lịch Hầm Hồ nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn và Khu vực Hồ núi Một nằm trên địa bàn thị xã An Nhơn, có nguy cơ tràn dầu do có hoạt động của tuyến luồng thủy nội địa. Các khu vực sông, hồ trên địa bàn tỉnh chỉ có nguy cơ xảy ra SCTD khi xảy ra các sự cố tai nạn giao thông, xe bồn vận chuyển xăng dầu gặp sự cố. Ngoài ra, hoạt động của các thuyền phục vụ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của người dân trên các sông, hồ có thể gây ra các sự cố rò rỉ, tràn dầu ở mức nhỏ. Trên đất liền: Kho xăng dầu, cửa hàng xăng dầu, xe bồn, tàu hỏa vận chuyển xăng dầu, các cơ sở có lưu chứa xăng dầu để phục vụ sản xuất…

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội nghị “Tập huấn, tuyên truyên nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó SCTD” và đại diện Lãnh đạo các cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu và những người trực tiếp triển khai thực hiện công tác ứng phó SCTD tại cơ sở còn được nghe các chuyên gia, nhà quản ly chia sẻ một số nội dung, kinh nghiệm về ứng phó SCTD từ thực tế cuộc sống…/.

Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •