Đó là nội dung chủ yếu của Quyết định số 1042/QĐ-UBND “Về việc thành lập Chi cục QLTT thuộc Sở Công Thương tỉnh Bình Định” mà ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký ban hành.
Theo Quyết định số 1042/QĐ-UBND, việc thành lập Chi cục QLTT tỉnh Bình Định là căn cứ vào một số văn bản, như: Quyết định số 25/2025/QĐ-UBND của UBND tỉnh về “Quy định tạm thời chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương”; Đề án số 01/ĐA-UBND của UBND tỉnh về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Biên bản bàn giao Cục QLTT tỉnh Bình Định về UBND tỉnh…

Theo đó, Quyết định số 1042 xác định: Thành lập Chi cục QLTT thuộc Sở Công Thương tỉnh Bình Định trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng Cục QLTT tỉnh Bình Định thuộc Tổng cục QLTT thuộc Bộ Công Thương. Chi cục QLTT tỉnh Định Định là tổ chức hành chính thuộc Sở Công Thương; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý của Sở Công Thương; đồng thời, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương. Chi cục QLTT Bình Định có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chi cục QLTT Bình Định có chức năng giúp Giám đốc Sở Công Thương thực hiện chức năng tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Giám đốc Sở Công Thương và quy định của pháp luật hiện hành…
Về cơ cấu tổ chức bộ máy bộ máy của Chi cục QLTT Bình Định, Quyết định số 1042/QĐ-UBND nêu rõ: Lãnh đạo Chi cục gồm có Chi Cục trưởng và không quá 2 Phó Chi cục trưởng. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm có: Phòng Tổ chức - Hành chính; - Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp. Các đội QLTT gồm có: Đội QLTT số 1; Đội QLTT số 2; Đội QLTT số 3; Đội QLTT số 4; Đội QLTT số 5.
Cũng qua Quyết định số 1042/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu: Giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Quyết định này, gfồm:
- Tiếp nhận nguyên trạng các nội dung theo danh mục mà Bộ Công Thương và UBND tỉnh đã ký Biên bản bàn giao (gồm: biên chế công chức, nhân sự, hồ sơ, tài liệu, tài chính, tài sản, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu, trang thiết bị và các nội dung có liên quan khác) từ Cục QLTT tỉnh Bình Định thuộc Tổng cục QLTT thuộc Bộ Công Thương.
- Thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền; hướng dẫn, chỉ đạo Chi cục bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức, người lao động đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện các chế độ, chính sách khác theo quy định.
- Xây dựng dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục QLTT, trình UBND tỉnh ban hành; chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục trưởng Chi cục QLTT xây dựng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, đội thuộc Chi cục, quy chế làm việc của Chi cục để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền.
- Chỉ đạo Chi cục QLTT phối hợp với Công an tỉnh thực hiện thủ tục khắc dấu mới theo quy định; giải quyết các nhiệm vụ còn tồn tại, phát sinh liên quan đến hoạt động của Chi cục kể từ ngày chuyển giao về Sở Công Thương quản lý…
Viết Hiền