Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước. Ảnh: VGP.

Được biết, Bình Phước là tỉnh rộng nhất vùng Đông Nam bộ, có vị trí địa lý chiến lược, thuận tiện cho trung chuyển, giao thương như cách sân bay Tân Sơn Nhất 110km, sân bay quốc tế Long Thành chưa đầy 100km; rất gần với các cảng nước sâu như Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải, là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ; có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, giao thông thuận lợi để kết nối với Lào và Thái Lan. Bình Phước cũng là “thủ phủ” của hai loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao của cả nước đó là cao su và điều. Năm 2020, Bình Phước có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,51%, thuộc nhóm cao của cả nước...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những chuyển biến toàn tiện, mang dấu ấn mạnh mẽ của tỉnh Bình Phước. Đồng thời, đề nghị, thời gian tới Bình Phước chú trọng hơn nữa khâu liên kết phát triển, liên kết vùng và liên kết hạ tầng, nhất là với khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt liên kết với cảng Cái Mép - Thị Vải cũng như các sân bay. Ngoài ra, tỉnh giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, giữa Đông Nam bộ và Tây Nguyên và các nước Thái Lan, Campuchia. Do đó, Cửa khẩu Hoa Lư phải giữ vai trò kết nối các tuyến du lịch quốc tế với các nước láng giềng. Tập trung nghiên cứu phát triển hạ tầng giao thông, các vấn đề về thủy lợi đảm bảo an ninh nguồn nước.

Bên cạnh đó, giao tỉnh Bình Phước triển khai đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Chơn Thành - TPHCM theo hình thức PPP. Về tuyến đường sắt xuyên Á, trước mắt giai đoạn 1 từ cảng Cái Mép đi Chơn Thành, yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia. Cho rằng dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép, Thị Vải là cần thiết, yêu cầu các bộ liên quan nghiên cứu đề xuất sớm phương án, báo cáo Thủ tướng.

 Thùy Linh