Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường
Theo đó, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong quý I tương đối ổn định; thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tăng mạnh, hàng hóa có mẫu mã đẹp, đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng, sức mua của người dân tăng mạnh vào thời điểm trước và cận Tết Nguyên đán, để phục vụ người dân.
Thị trường không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; việc niêm yết và bán theo giá niêm yết được thực hiện nghiêm túc. Tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh ổn định; không phát hiện cơ sở kinh doanh xăng dầu nào có hành vi bán giá cao hơn giá niêm yết, đầu cơ, găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, cắt giảm thời gian, số lượng bán ra.
Căn cứ tình hình thực tế và bám sát chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh Bình Thuận và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong quý I, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão; tăng cường biện pháp phòng chống ngộc độc rượu trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm; tăng cường công tác kiểm tra hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023…
Theo đó, quý I, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 136 vụ, phát hiện và xử lý 70 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước là gần 1,2 tỷ đồng (tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 847 triệu đồng, tiền bán hàng hóa tịch thu là hơn 109 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là hơn 206 triệu đồng); tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 915 triệu đồng.
Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, đã kiểm tra 189 vụ, phát hiện và xử lý 3 vụ vi phạm.
Kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho 136 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn; tổ chức cho 90 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ký cam kết kinh doanh.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Tiến Sơn cho biết, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Thuận; hoàn thành các kế hoạch của Cục đã đề ra.
Các đội quản lý thị trường chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, phục vụ các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2023; tập tập trung kiểm tra giá cả hàng hóa, dịch vụ du lịch, ăn uống tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Các đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý theo địa bàn; thường xuyên theo dõi sát tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu; tăng cường công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa nxâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm xuất xứ và gian lận thương mại điện tử.
Các đội quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng quan trọng như đường cát, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón, vật tư nông nghiệp và hóa chất, nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, các sản phẩm thuốc lá mới, xì gà, đường, thời trang, vật liệu xây dựng...
Cục Quản lý thị trường phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Chuyển đổi số - xu thế và yêu cầu tất yếu
Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Tổng cục Quản lý thị trường đã xây dựng và vận hành Hệ thống công nghệ thông tin quản lý thị trường, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện lực lượng quản lý thị trường, theo định hướng chung của Bộ Công Thương.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã tăng cường triển khai, ứng dụng nhiều phần mềm để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên không gian mạng. Thông qua việc cập nhật tất cả các dữ liệu lên Hệ thống phần mềm xử lý vi phạm hành chính (INS) theo từng quy trình, với các biểu mẫu liên thông, liên kết với nhau nên việc xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường đảm bảo minh bạch, chính xác. Bên cạnh đó, Hệ thống phần mềm xử lý vi phạm hành chính cũng sẽ giảm thiểu được ngân sách rất lớn cho khoản in mẫu ấn chỉ sẵn.
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường đã ứng dụng phần mềm INS cập nhật được 10.841 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để quản lý, trong đó có 1.302 tổ chức và 9.539 cá nhân; cập nhật toàn bộ hồ sơ kiểm tra và xử lý vụ việc trên Hệ thống INS theo quy định một cách nhuần nhuyễn và tự tin với từng thao tác của Hệ thống.
Cục Quản lý thị trường đã tăng cường triển khai, ứng dụng nhiều phần mềm để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái...
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng…
Trong 2 năm (2021 - 2022), Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh thương mại điện tử, phát hiện và xử lý 6 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 300 triệu đồng; tịch thu nhiều sản phẩm hàng gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho biết, trong thời gian tới, sẽ tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong đó, tập trung thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giai đoạn 2021 - 2025.
Song song đó, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái; đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tiếp nhận phản ánh, tố cáo về hàng hóa vi phạm; đặc biệt là phản ánh trực tuyến thông qua cổng thông tin trực tuyến của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, mạng xã hội, đường dây nóng.
Hoàng Bách