Theo chuyên gia nghiên cứu, tỉnh Bình Thuận là một trong những khu vực nằm trong vùng nhiệt đới gần xích đạo với khí hậu và độ ẩm gió mùa đặ trưng, nắng nhiều và bức xạ kéo dài với tổng số nắng cả năm lên đến 2.728 giờ, lượng bức xạ tổng cộng thực tế hằng năm đạt khoảng 1.961 kWh/m2, trung bình ngày khoảng 5,35 kWh/m2. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn thuận lợi do ít chịu ảnh hưởng của gió bão, nên là điều kiện khá lý tưởng cho việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Dự án Sông Lũy 1 lắp đặt gần 130.000 tấm pin điện mặt trời, công suất 1 tấm pin 365 Wp, áp dụng công nghệ hiện đại Mono Perc với hiệu suất tế bào quang điện lên tới 21,3% cao hơn mức quy định vốn là 16%, giúp giảm diện tích sử dụng đất, đi kèm với đó là một trạm biến áp tăng áp 22 - 110kV,  một trạm cắt 110kV Sông Luỹ và 66 mét đường dây 110kV.

Bình Thuận: Xây dựng nhà máy điện mặt trời gần 1.000 tỷ đồng - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Với tổng mức đầu tư  998 tỷ đồng, nhà máy điện Sông Lũy 1, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trong tháng 4/2019, cung cấp vào hệ thống lưới điện quốc gia với tổng sản lượng đạt 80 triệu kWh/năm.

Trước đó, ngày 19/9, Công ty TNHH Power Plus Việt Nam cũng đã tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy điện năng lượng mặt trời Tuy Phong (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Nhà máy có công suất 30 MW, được xây dựng trên khu đất 50 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp mỗi năm khoảng 63 triệu kw/h điện thương phẩm.

Hiện, tỉnh Bình Thuận đã có 14 dự án điện mặt trời được chấp thuận chủ trương với tổng vốn đầu tư khoảng 20.700 tỷ đồng. Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có thể thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà máy năng lượng mặt trời với tổng công suất trên 4.000 MW.

Phong trào đầu tư vào các dự án điện mặt trời trên cả nước bắt đầu tăng nhiệt từ tháng 4/2017 sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2011/QĐ-TTg với nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Trong đó, có điều khoản Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện từ dự án điện mặt trời với giá tương đương 9,35 UScent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh). Đây là mức giá được cho là có thể giúp các nhà đầu tư có lãi đi kèm với các ưu đãi khác như thuế, đất đai.

Sở dĩ nhiều dự án phải chạy đua hoàn thành phát điện trước cuối tháng 6/2019 bởi cũng theo quyết định 11/2017/QĐ-TTg được Chính phủ ban hành nói trên thì nếu dự án đưa vào vận hành trước tháng 6/2019 sẽ được EVN mua điện với giá 9,35 UScent/kWh theo hợp đồng kéo dài 20 năm. Ngược lại, nếu không kịp vận hành thì nhiều khả năng giá mua điện có thể bị hạ thấp hơn, chứ không còn là 9,35 cent/KWh nữa duy trì trong 20 năm nữa.

Hằng Vương