Black Friday hay thường được gọi là ngày Thứ sáu đen, được diễn ra sau lễ Tạ ơn 1 ngày của tuần thứ 4 trong tháng 11 mỗi năm. Dù cái tên nghe có vẻ đáng sợ nhưng thực chất Black Friday được coi là ngày mở đầu cho chuỗi ngày mua sắm tấp nập với mức giá được giảm bất ngờ của người Mỹ.
Những năm gần đây, Black Friday đã du nhập vào Việt Nam, mang lại một “làn gió mới” cho thị trường tiêu dùng. Bằng chứng là loạt các doanh nghiệp, thương hiệu lớn đều tham gia ngày hội giảm giá lớn nhất nhì trong năm nhằm tri ân các khách hàng như thương hiệu thời trang Canifa, Mango, Thương hiệu giày Juno, Công ty điện tử Samsung,...
Black Friday được các doanh nghiệp bán lẻ đặc biệt coi trọng bởi nhu cầu cải thiện dòng tiền, kích cầu tiêu dùng và sản xuất, xả hàng tồn kho. Ngày lễ này chính là giải pháp giúp các doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn, hạn chế rủi ro tài chính trước những lạm phát kinh tế và áp lực lãi suất ngân hàng tăng cao.
Doanh nghiệp mong chờ… rồi lại thất vọng!
Theo báo cáo quý III của Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19, người dân đã có công việc trở lại những tháng ngày thất nghiệp, kiệt quệ kinh tế. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của các doanh nghiệp, năm nay thị trường mua sắm được đánh giá là khá ảm đạm khi người săn sale tỏ ra thận trọng thay vì lựa đồ tùy ý như trước.
Trao đổi với PV Thương hiệu và Công luận, chị Thu Nga, chủ chuỗi thời trang công sở có tiếng tại Hà Nội cho biết, thương hiệu bắt đầu chương trình Black Friday sớm hơn mọi năm, từ 17/11 đến 27/11/2022, nhằm kích cầu nhu cầu mua sắm, cũng như tri ân khách hàng sau 2 năm đại dịch. Nhưng doanh thu lại giảm 50% so với năm ngoái.
Chị Thu Nga cũng nhận định: “Mùa đông đến muộn khiến người dân không háo hức sắm sửa như mọi năm. Suy thoái kinh tế cũng là lý do ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý người tiêu dùng. Thay vì chi một khoản lớn để mua sắm thời trang, gần đây, khách hàng có xu hướng quan tâm đến những sản phẩm thiết thực cho cá nhân hoặc gia đình với chất lượng tốt và mức ưu đãi hấp dẫn”.
Đại diện của thương hiệu thời trang này cũng nói thêm, năm ngoái vướng đại dịch, doanh thu cửa hàng vẫn hiệu quả. Không ngờ, hiện tại cuộc sống người dân ổn định hơn nhưng lượng hàng được bán ra lại thấp đi khá nhiều.
Chị Ngọc Anh, chủ shop thời trang trên sàn thương mại điện tử Shopee cũng nhận định, cuối năm 2022, tình hình chung của thị trường mua sắm không mấy khả quan do nhu cầu mua sắm của người dân tập trung hơn về các sản phẩm cho gia đình như đồ điện, gia dụng… Dù vậy, doanh thu của shop vẫn khá ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều.
Chủ shop này cũng nói thêm, sức mua của khách hàng vẫn mạnh nhưng để về được doanh thu như trước giai đoạn dịch Covid-19 là điều khó. “Đây cũng luôn là bài toán mà shop của tôi trăn trở, suy nghĩ tìm hướng mới trong suốt một năm qua”, chị Ngọc Anh trải lòng.
Khách hàng chần chừ trước deal hời
Thực tế, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vẫn khá cao nhưng nhiều người tâm sự, bởi lạm phát kinh tế, họ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi chi tiêu.
Chị Minh Hằng (30 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Black Friday là sự kiện giảm giá lớn trong năm nên tôi cũng đặt những món hàng cần thiết cho gia đình, chứ không còn mua sắm hoang phí như những năm trước. Tuy nhiên, số tiền tôi đầu tư mua sắm cho ngày Black Friday vẫn khá lớn so với những ngày thường”.
Trái với quan điểm trên, chị Hà Anh (25 tuổi, Hà Đông) tỏ ra e dè khi loạt doanh nghiệp, thương hiệu tung ra các chương trình khuyến mại. Theo chị, các đợt khuyến mại thường được treo biển hoành tráng cùng lời mời chào hấp dẫn nhưng nhiều đơn vị vẫn rơi vào tình trạng nâng giá lên rồi giảm xuống, sale ảo. Thực tế, chỉ cần lướt trên các sàn giao dịch điện tử, thậm chí là kênh bán hàng truyền thông, không khó để bắt gặp tình trạng này.
“Sau nhiều mùa sale thi thoảng tôi cũng hay để ý giá. Chẳng hạn, một món đồ bình thường được bán với giá 200 nghìn đồng nhưng khi Black Friday, họ có thể sửa lại thành 250 nghìn đồng”, chị Hà Anh chia sẻ kinh nghiệm săn sale.
Dù vậy, chị Hà Anh vẫn tranh thủ sắm những món đồ có giá cả hợp lý và chất lượng tốt cho bản thân. “So với ngày bình thường, Black Friday, tôi sẽ có xu hướng mua sắm nhiều hơn vì thấy giá được sale khá rẻ. Dù vậy, tôi không “vung tay quá trán” mà vẫn cân nhắc món đồ nào thực sự cần thiết chứ không phải thấy giảm giá, rẻ là mua”, chị Hà Anh nói.
Với những người đam mê mua sắm, việc nắm bắt một cơ hội săn đồ giảm giá 30%, 50% và 70% cho mọi thứ từ TV đến thiết bị, nhiều mặt hàng là điều quan trọng.
Nhưng khi các ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn, đa phần sẽ lựa chọn phương án trì hoãn. Vậy nên, việc tìm kiếm một món hàng giảm giá hời thực sự đang là “thách thức” với nhiều người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong bối cảnh người dân đang dần mất niềm tin vào những lời mời chào khuyến mại, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ cần có những chính sách hợp lý hơn để kích cầu nhu cầu mua sắm. Nếu những câu chuyện tiêu cực không được xử lý kịp thời, thị trường trong những đợt sale tới sẽ khó lòng sôi động, tấp nập như ngày nào.
Hồng Nhung