Blockchain còn khá xa lạ ở Việt Nam và đa phần thị trường trong nước mới chỉ biết tới một trong những ứng dụng của công nghệ này – ứng dụng tiến thuật toán, tuy nhiên ẩn dấu sau đó là công nghệ có khả năng thay đổi cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực tế, Blockchain không chỉ ứng dụng trong tiền thuật toán nói riêng. Khả năng ứng dụng của công nghệ này là rất rộng mở tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, công nghiệp sản xuất, dịch vụ công, chuỗi cung ứng, giáo dục hay năng lượng.
Tại Việt Nam, ngày càng nhiều startup và doanh nghiệp sẽ thí điểm, áp dụng blockchain vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tài chính ngân hàng, y tế, giao thông vận tải, dịch vụ công… nhằm tận dụng tối đa những lợi ích vượt trội của nó.
Phát biểu khai mạc sự kiện ông Nguyễn Hoàng Thịnh – Cố vấn pháp lý Công ty Cổ phần Vinatimex cho biết, hiện nay mới có khoảng 5 triệu người biết và tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp của Blockchain tương đương khoảng 1% dân số. Đồng thời ông Thịnh cũng khẳng định, Blockchain là chìa khóa để chuyển đổi công nghệ số hướng đến làm chủ công nghệ trong tương lai.

Dẫn chứng cụ thể, ông Thịnh cho biết, hiện ở ngành tài chính, khi áp dụng Blockchain sẽ tạo minh bạch cho cả hệ thống, trong suốt quá trình làm việc giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm, khách hàng… Hay ở ngành y tế, ứng dụng Blockchain sẽ đưa vào dữ liệu bệnh nhân với tất cả các bệnh, cách điều trị và được lưu lại, tạo ra cơ sở dữ liệu về bệnh nhân một cách chất lượng, an toàn và dễ chia sẻ giữa các bệnh viện. Tương tự, trong ngành giáo dục, nếu ứng dụng Blockchain, người đi học được lưu tất cả dữ liệu kể từ khi đi học một cách rõ ràng, minh bạch.

Blockchain – chìa khóa chuyển đổi công nghệ số - Hình 1

Toàn cảnh Diễn đàn

Với doanh nghiệp, Blockchain chia sẻ với họ những khó khăn như: nhân lực, truyền thông, logictic, an ninh… Đánh giá về tiềm năng ứng dụng Blockchain tại Việt Nam nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay Blockchain không chỉ được ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc, logistics, mà còn được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực khác bởi tính minh bạch và tiện lợi của nó. Khi áp dụng Blockchain sẽ giảm được tối đa việc gian lận thông tin, bởi với đặc tính chống chối bỏ và chống lại sự thay đổi dữ liệu.

Mọi thông tin trên Blockchain đều được lưu trữ và bảo mật hiệu quả mà không một ai có thể can thiệp chỉnh sửa, thông tin chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả các bên trong hệ thống…Cụ thể, đối với lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, nếu ứng dụng công nghệ Blockchain, người dân sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Riêng về khâu phân phối trung gian, thì khi đến một đơn vị nào, đơn vị đó sẽ được định danh trên Blockchain, từng công đoạn sản xuất, chế biến sản phẩm đều được ghi lại. Khi có vấn đề xảy ra đối với sản phẩm nào đó, nhà sản xuất hoặc những đơn vị liên quan hoàn toàn có thể công khai hóa, minh bạch hóa, xác định rõ trách nhiệm của khâu nào trong hệ thống.

Theo “Báo cáo Thị trường nhân lực ngành CNTT năm 2019” vừa được VietnamWorks, trang web tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam, thuộc tập đoàn Navigos Group công bố cho thấy, nhân lực có chuyên môn Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhận được mức lương cao nhất.Theo thống kê mức lương dựa trên chuyên môn, nhóm kỹ sư có chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain và AI đang nhận mức lương cao nhất và cao hơn so với các nhóm chuyên môn khác. Theo đó, nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến Blockchain nhận mức lương trung bình là 2.241 USD, nhóm phát triển phần mềm liên quan đến AI có mức lương 1.844 USD, đứng vị trí thứ 3 là Full Stack với mức lương 1.642 USD.

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam đang hướng đến Cải cách hành chính và thực hiện Chính phủ không tiền mặt, và công nghệ Blockchain chính là phương tiện và cầu nối đến đích nhanh nhất.

Trúc Mai