Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm xây dựng các bộ chỉ số cấp địa phương đã có trong nước (PCI, PAR, PAPI…) và kinh nghiệm nước ngoài (trên thế giới mới chỉ có một số quốc gia xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương như Trung Quốc, Ấn Độ, Columbia, Mỹ... trong đó, Ấn Độ và Columbia cũng dựa trên bộ chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của WIPO), Bộ KH&CN đã xây dựng Bộ Chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) theo 10 bước như hướng dẫn của OECD cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam.
Trong giai đoạn thiết kế khung chỉ số và các chỉ số thành phần, sự tham gia cố vấn kỹ thuật tích cực của Tổ chức WIPO, sự phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm của các Bộ, cơ quan đã xây dựng thành công các chỉ số cấp địa phương tại Việt Nam, sự tham gia đóng góp ý kiến của các địa phương đã giúp Bộ KH&CN xây dựng, hoàn thiện được khung chỉ số và các chỉ số thành phần. Năm 2022, Bộ KH&CN đã lựa chọn 20 tỉnh, thành phố tham gia thử nghiệm, phân bổ ở cả 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập, cơ cấu kinh tế khác nhau, đủ tiêu chí để đại diện cho tất cả 63 tỉnh/thành phố trên phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở thành công của thử nghiệm năm 2022, Bộ KH&CN tiếp tục hoàn thiện khung chỉ số, phương pháp để triển khai trên toàn quốc từ năm 2023.
Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo sát cấu trúc của bộ chỉ số GII), gồm: 05 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST gồm: (1) Thể chế, (2) Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường và (5) Trình độ phát triển của doanh nghiệp; và 02 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động.
Nguồn dữ liệu để xây dựng bộ chỉ số PII 2023 được thu thập dựa trên số liệu từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác (bộ chỉ số Cải cách hành chính, bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, bộ chỉ số Chuyển đổi số, bộ chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh).
Với mỗi địa phương, kết quả đánh giá, xếp hạng của từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột được trình bày trong một bảng thông tin tổng hợp. Đồng thời, 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ. Trên cơ sở các thông tin này, địa phương có thể nhận diện được những vấn đề cần chú trọng để từ đó có chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST của địa phương, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực ĐMST của địa phương và của quốc gia.
Ngoài ra, biểu đồ mạng nhện theo 7 trụ cột (theo điểm số) của từng địa phương cũng được thiết lập, trong đó có so sánh với điểm số cao nhất, điểm số thấp nhất và mức trung bình để các địa phương nhận diện rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu theo từng trụ cột của ĐMST.
Dự kiến, kết quả xếp hạng chỉ số PII năm 2023 sẽ được Bộ KH&CN công bố vào đầu năm 2024.
Bộ chỉ số PII nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển KT-XH của từng địa phương, qua đó cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương, giúp cho các cấp lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển KT-XH của địa phương dựa trên KH,CN&ĐMST.
Với chính quyền các cấp, bộ chỉ số PII cung cấp các căn cứ về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương; làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng, thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST; thúc đẩy thực hiện các sáng kiến phát triển KT-XH ở địa phương dựa trên KH,CN&ĐMST, tận dụng các thế mạnh và vượt qua các thách thức; cung cấp công cụ, kĩ thuật cho phép đánh giá, so sánh năng lực, kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST giữa các địa phương cũng như chất lượng điều hành, quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; góp phần nâng cao năng lực và kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST quốc gia.
Đối với nhà đầu tư, kết quả đánh giá PII của địa phương sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Đối với khu vực nghiên cứu, bộ chỉ số PII cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện với hệ thống các chỉ tiêu đánh giá, có thể so sánh được qua thời gian và thúc đẩy các nghiên cứu khác.
Bộ chỉ số PII cũng có ý nghĩa đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ để xem xét, cân nhắc các tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương ở Việt Nam.
Minh Anh(t/h)