Trên cơ sở Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lựa chọn kỹ những nội dung để xây dựng chương trình làm việc hằng năm, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết kịp thời nhiều vấn đề hệ trọng, phức tạp phát sinh, nhất là về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và kinh tế. Chỉ đạo chuẩn bị tốt, chu đáo các đề án, báo cáo trình Trung ương.
Về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; từng bước hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc và thu hồi tài sản thất thoát được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Nhiều vụ việc, vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến một số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Tạo dấu ấn quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị kỷ luật 11 cán bộ, đảng viên. Trong đó có 2 Uỷ viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên Trung ương Đảng, 2 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an không phải là Ủy viên Trung ương Đảng. Ban Bí thư thi hành kỷ luật 41 cán bộ, đảng viên, trong đó có 12 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
Về lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với công tác quốc phòng, an ninh đối ngoại: Đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hoàn thiện tư duy lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm sâu sát, kịp thời và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hoà bình để phát triển đất nước.
Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó, ưu tiên đầu tư một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng vũ trang tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; ưu tiên và đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh kết hợp với công nghiệp dân sinh theo hướng tự chủ, hiện đại và lưỡng dụng.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, nhạy bén trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế, dầu khí, các đảo, đá, nhà giàn, điểm đóng quân của ta trên Biển Đông và vùng Biển Tây Nam của Tổ quốc. Tiếp tục khẳng định chủ trương và lập trường nhất quán giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thể hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc. Kịp thời cập nhật, phê chuẩn Đề án tổng thể mới về chủ trương, giải pháp của ta tại Biển Đông bảo đảm chủ động xử lý các tình huống xảy ra.
Ngoài ra Bộ Chính trị Ban Bí thư còn lãnh đạo, chỉ đạo các công tác khác như công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; lãnh đạo chỉ đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; lãnh đạo chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra giám sát kỷ luật trong Đảng đạt những kết quả quan trọng.
Trang Nguyễn (t/h)