Sáng nay (22/10), Bộ Công Thương đã giới thiệu Sách trắng đầu tiên về Công nghiệp Việt Nam năm 2019 tại Hà Nội.      

Bộ Công Thương cho biết, việc xây dựng Sách trắng là một trong những nỗ lực của ngành hướng tới thực hiện Nghị Quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sách trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019 phân tích và đánh giá hiện trạng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, chỉ ra những nút thắt và các vấn đề bất cập chính cần phải được khắc phục ở cả cấp vĩ mô và cấp ngành đồng thời đưa ra các kiến nghị chính sách nhằm đạt được mục tiêu của Chính phủ là thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng và cải tiến công nghệ có tính đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và già hóa dân số.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Sách trắng giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp có được thông tin hữu ích về các ngành công nghiệp Việt Nam, và sẽ là công cụ hữu hiệu trong quá trình phân tích, hoạch định chính sách công nghiệp”.

Sách trắng này được xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế,” do Hàn Quốc tài trợ, Bộ Công Thương và UNIDO thực hiện từ năm 2016.

Theo Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Công nghiệp (CIP) của UNIDO năm 2018, Việt Nam xếp thứ 42 trên toàn cầu và thứ 5 trong nhóm các nước Nam và Đông Nam Á. Chỉ số này cho thấy sự cải thiện đáng kể của Việt Nam từ vị trí thứ 69 vào năm 2006. Tuy nhiên giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo của Việt Nam trong năm 2016 chỉ chiếm 14,3% tổng giá trị quốc nội (GDP), giảm so với năm 2006 (19,4%). Tỷ lệ này của khu vực Đông Nam Á là 20,9%.

PV