Ngày 27/9/2024, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) tổ chức Hội thảo xây dựng dự thảo về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa với sự tham dự của đại diện các Bộ, Ban ngành ở Trung ương, Sở Công Thương các địa phương phía Bắc, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực Sở Giao dịch hàng hóa.
Theo Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết, qua 18 năm tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn thi hành Luật Thương mại 2005 về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam phát triển, thu hút được ngày càng nhiều đối tượng tham gia giao dịch, từng bước tạo môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu có được công cụ bảo hiểm giá để chủ động cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cân đối cung cầu.
Gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều Luật có tác động đến lĩnh vực này như Luật Quản lý ngoại thương 2017, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020, Luật Giao dịch điện tử 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024,…
Để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành cần thiết phải sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo cần giải quyết.
Vì thế, nhu cầu cấp thiết đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động này cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành có liên quan và sự phát triển của thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Về bố cục, dự thảo Nghị định bao gồm 16 chương và 140 điều quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
Dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa với mục tiêu là hoàn thiện các quy định, chính sách để phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp và người dân; góp phần kiến tạo không gian phát triển mới cho lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; Tuân thủ các quy định của Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Giao dịch điện tử, Luật Cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về khung pháp lý;
Thông qua Dự thảo, các đại biểu cũng trao đổi, góp ý kiến thêm xung quanh những nội dung liên quan về: vai trò, vị trí của chế định Sở Giao dịch hàng hóa trong tương quan với các chủ thể khác trong lĩnh vực này; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, quản lý hoạt động cấp phép mua bán hàng hóa tại Sở Giao dịch hàng hóa; quy định, yêu cầu đối với người tham gia thị trường giao dịch…
H.M