Ngày 26/9, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đã diễn ra Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chương trình được triển khai nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường (đại diện là các hệ thống bán lẻ) với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng; qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu.

Một góc khu vực gian hàng TP. Hồ Chí Minh tại “Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024” thu hút khách tham quan
Một góc khu vực gian hàng TP. Hồ Chí Minh tại “Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024” thu hút khách tham quan (Ảnh: Hoàng Nguyễn)

Đến nay, 8 hệ thống phân phối hiện đại (gồm: Saigon Co.op, Satra, AEON, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh, Wincomerce và Kingfood Market) đã ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Trong đó, hệ thống phân phối Saigon Co.op đã tham gia tích cực với 3 nhóm sản phẩm thí điểm gồm trái cây, rau củ quả và thịt.

Để triển khai việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, Saigon Co.op đã ký kết với 23 nhà cung cấp ở các tỉnh, thành phố; đồng thời vận động thêm nhiều nhà cung cấp mới trên cả nước tìm hiểu và cùng tham gia chương trình.

Mới đây, ngày 24/9, Saigon Co.op cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu đến từ 6 tỉnh, thành trên cả nước để tập trung xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Ông Vũ Dương Quân, Trưởng Ban Quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết, đã có 4 nhà cung cấp hưởng ứng chương trình và đơn vị đang khuyến khích các nhà cung cấp tự nguyện đăng ký tham gia "tick xanh trách nhiệm", 65% nhà cung cấp có phản hồi với Satra sẽ tham gia chương trình. Satra cũng tạo điều kiện cho các nhà cung cấp tham gia chương trình “tick xanh trách nhiệm” được trưng bày, giới thiệu sản phẩm, triển khai dùng thử sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông Quân, mặc dù có khu trưng bày sản phẩm riêng nhưng sản phẩm “tick xanh” vẫn còn hạn chế.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cùng các bên liên quan để xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả các đơn vị tham gia chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Sau khi có bộ tiêu chí này, những nhà cung cấp tiên phong thực hiện cam kết sẽ được xem xét đánh dấu "tick xanh" và được hỗ trợ ưu tiên từ các hệ thống phân phối lớn. Bên cạnh đó, sẽ có website để kiểm tra những sản phẩm, đơn vị nào có “tick xanh” hay không. Ngoài ra, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ thống nhất về chế tài đối với những vi phạm để đủ sức răn đe.

“Những sản phẩm tham gia vào 8 hệ thống có tick xanh hay không có tick xanh nếu vi phạm thì cũng bị loại khỏi hệ thống. Chính sách của TP. Hồ Chí Minh là ưu tiên sản phẩm chất lượng, nói không với sản phẩm kém chất lượng. Nếu doanh nghiệp không có tick xanh thì tự loại bỏ cơ hội của mình” - ông Phương khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, Sở đã và đang phối hợp với các tỉnh, thành để mở rộng triển khai chương trình đến các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng ở địa phương với mục tiêu là tất cả sản phẩm đều có “tick xanh”, đảm bảo chất lượng cao nhất.

Hoàng Bách (t/h)