Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, nếu áp dụng những phương pháp quản lý cũng như ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán về năng suất lao động, tăng trưởng ngành da giày có thể sẽ tăng 1,5-2 lần so với hiện tại.
Theo số liệu của Lefaso, hiện nay, ngành da giày đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các dòng sản phẩm trung bình khá. Nhưng thực tế, các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng xuất khẩu, hầu hết là sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà máy thuộc da quy mô lớn tại Việt Nam đều của doanh nghiệp FDI.
(Ảnh minh họa)
Theo Bộ Công thương, việc ký kết một số hiệp định thương mại như Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu.
Mặc dù vậy, ngành da giày cũng phải đối mặt với một số khó khăn như chi phí nhân công ngày càng tăng, năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Bộ Công thương cho rằng, hạn chế về năng suất liên quan đến trang thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam là một bất lợi cần phải được khắc phục sớm.
Hằng Vương