Nội dung này được đưa ra trong dự thảo Chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục đang được Bộ GD&ĐT xây dựng.

Tại hội thảo khoa học “Hoạt động chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ ưu tiên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Thực trạng và giải pháp” ngày 25/3, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải đã đưa ra một số nội dung cơ bản của dự thảo Chiến lược ứng dụng AI trong giáo dục.

Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin Nguyễn Sơn Hải đã đưa ra một số nội dung cơ bản của dự thảo Chiến lược ứng dụng AI trong giáo dục. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)
Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin Nguyễn Sơn Hải đã đưa ra một số nội dung cơ bản của dự thảo Chiến lược ứng dụng AI trong giáo dục. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Theo đó, ông Nguyễn Sơn Hải cho biết: Chiến lược này nhằm tận dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ AI để định hướng ứng dụng trong giáo dục một cách tổng thể, đồng bộ và bền vững; góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, củng cố vị thế quốc gia trong lĩnh vực AI. Đồng thời, cải thiện, hiện đại hoá hệ thống giáo dục; tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực số cho người học, tạo nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.

Bộ GD&ĐT xác định, ứng dụng AI trong giáo dục là xu hướng tất yếu, giúp mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, nâng cao hiệu lực và chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, việc triển khai cần đặt lợi ích của người học, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm trung tâm.

Ứng dụng AI phải được tận dụng tối đa lợi thế, đồng thời đảm bảo các giá trị cốt lõi như tính trung thực, tư duy sáng tạo, năng lực tự học và kiểm soát các rủi ro có thể phát sinh. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò tiên phong trong ứng dụng AI vào công tác chuyên môn, hướng dẫn người học sử dụng AI có trách nhiệm.

Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu đến năm 2035, AI sẽ trở thành công cụ phổ biến đối với mỗi người học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. (Ảnh minh họa)
Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu đến năm 2035, AI sẽ trở thành công cụ phổ biến đối với mỗi người học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. (Ảnh minh họa)

“Việc ứng dụng AI trong giáo dục phải giúp học sinh, sinh viên có thêm cơ hội học tập hiệu quả, sáng tạo và hạnh phúc hơn, thay vì tạo ra tâm lý ỷ lại, thụ động. Nếu được khai thác đúng cách, AI sẽ là cơ hội tuyệt vời để xây dựng một xã hội học tập suốt đời”

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc -

Đặc biệt, với học sinh phổ thông, việc sử dụng AI phải có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh những tác động tiêu cực. Năng lực AI của giáo viên, cán bộ quản lý và người học là yếu tố quyết định sự thành công của ứng dụng AI trong ngành giáo dục. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo cần thường xuyên cập nhật, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá để thích ứng với việc ứng dụng AI của người học.

Theo Bộ GD&ĐT, việc phát triển hệ sinh thái AI phù hợp với văn hóa và giáo dục Việt Nam là một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của AI trong giáo dục. Đồng thời, ứng dụng AI cần tuân thủ các quy định về quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo sử dụng AI có trách nhiệm. Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng AI cần có cách tiếp cận toàn diện, bài bản; các nội dung khó và nhạy cảm phải được thử nghiệm, đánh giá tác động trước khi áp dụng rộng rãi, nhất là với học sinh phổ thông.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, việc phát triển ứng dụng AI phải đảm bảo giữ gìn bản sắc, văn hóa truyền thống dân tộc. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, việc phát triển ứng dụng AI phải đảm bảo giữ gìn bản sắc, văn hóa truyền thống dân tộc. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Chiến lược đặt mục tiêu tổng quát là ứng dụng AI một cách tổng thể và có hệ thống vào các hoạt động của ngành giáo dục, hướng đến xây dựng một nền giáo dục số hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, định hướng đến năm 2035, AI sẽ trở thành công cụ phổ biến đối với mỗi người học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời hệ sinh thái AI do doanh nghiệp Việt Nam phát triển sẽ được sử dụng thống nhất trong giáo dục phổ thông.

Ứng dụng AI trong giáo dục cần gắn với bản sắc văn hóa dân tộc

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đẫ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, đồng thời mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức trong nước cũng như quốc tế. Những kinh nghiệm thực tiễn về AI trên thế giới sẽ giúp Bộ hoàn thiện dự thảo kế hoạch triển khai AI trong giáo dục. “Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực còn mới mẻ và thay đổi rất nhanh chóng. Với tinh thần cầu thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để có cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, việc phát triển ứng dụng AI phải đảm bảo giữ gìn bản sắc, văn hóa truyền thống dân tộc. Điều quan trọng là khai thác tối đa lợi ích của AI và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực.

PV (t/h)